Làm giàu từ nuôi chim bồ câu Pháp

Nhờ sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, sau nhiều năm 'làm bạn' với chim bồ câu Pháp, đến nay, gia đình anh Nguyễn Đình Biển ở tổ dân phố Trại Mới, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên đã sở hữu trang trại nuôi hàng nghìn chim bồ câu, giúp kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Anh Nguyễn Đình Biển nuôi chim bồ câu Pháp mang lại thu nhập cao. Ảnh: Kim Ly

Anh Nguyễn Đình Biển nuôi chim bồ câu Pháp mang lại thu nhập cao. Ảnh: Kim Ly

Ngay từ khi còn nhỏ, anh Biển đã rất thích nuôi chim bồ câu. Khi học xong phổ thông, anh làm tại Công ty Prime Group. Năm 2011, vừa làm công nhân, anh vừa nuôi chim bồ câu để thỏa đam mê với số lượng 200-300 con. Vừa nuôi, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, năm 2017, anh Biển phát triển đàn bồ câu lên 1.500 con. Năm 2018, anh quyết định nghỉ việc ở công ty để tập trung nuôi chim bồ câu Pháp.

Theo anh Biển, để nuôi chim bồ câu Pháp hiệu quả, khâu chọn giống là quan trọng nhất, bởi lẽ chúng sẽ quyết định đến đầu ra, chất lượng thịt và sự ưa chuộng của khách hàng. Lựa chọn con giống phải chuẩn, chim khỏe mạnh, lông mượt, nhanh nhẹn, không có bệnh tật và dị tật.

Trong quá trình nuôi, chú trọng sử dụng vắc xin phòng bệnh, sử dụng men vi sinh trộn lẫn vào thức ăn, nước uống hoặc phun khử trùng tại khu chuồng nuôi để giảm mùi hôi, tăng sức đề kháng cho chim. Nuôi chim bồ câu không quá vất vả, một ngày chỉ cho ăn 2 lần, sáng và chiều. Trong đó, bữa sáng là quan trọng nhất nên cho ăn nhiều hơn. Thức ăn chủ yếu là ngô trộn lẫn với cám viên.

Chuồng trại lúc nào cũng phải thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, sạch sẽ, vào mùa hè đặc biệt chú ý tới hệ thống quạt mát. Hệ thống nước uống cần thiết kế tự động. Khoảng vài ngày vệ sinh chuồng trại một lần để tránh dịch bệnh. Trong quá trình nuôi, phát hiện chim có biểu hiện ủ rũ, bỏ ăn phải tách đàn luôn.

Trung bình mỗi con chim đẻ 2 quả trứng/1 lứa, mỗi lứa cách nhau khoảng 40 ngày. Nếu thấy trong chuồng có trứng thì phải lấy ra ngay và cho vào máy ấp, sau đó đưa trứng giả vào chỗ cũ cho chim mẹ ấp.

Trước khi lấy trứng ra ngoài, anh Biển có ghi lại ngày, tháng để tránh nhầm lẫn. Sau 15 ngày đưa trứng vào máy ấp thì trứng bắt đầu nở. Lúc này, đưa chim mới nở vào ở cùng chim bố mẹ để chim bố mẹ mớm thức ăn và nuôi con. Khoảng 20 ngày sau, chim con đủ lông, tự ăn được thì có thể xuất bán ra thị trường.

Cách đây 3 - 4 năm, do nhiều người nuôi chim bồ câu, nên anh Biển chủ yếu bán chim giống với giá 250-280 nghìn đồng/đôi. Hiện nay, anh Biển chủ yếu nuôi chim thương phẩm, xuất bán với giá 140-190 nghìn đồng/đôi.

Theo tính toán của anh Biển, thời điểm những năm trước khi dịch Covid-19 diễn ra, giá bán cao hơn thì sẽ đem lại lợi nhuận từ 35-40 triệu đồng/tháng. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch và giá thức ăn tăng cao nên thu nhập giảm, chỉ được khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Mỗi năm, trừ chi phí, anh Biển thu nhập hơn 200 triệu đồng. Nuôi chim bồ câu Pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh Biển đã xây dựng được một ngôi nhà 2 tầng khang trang, sạch đẹp, nuôi các con ăn học và phụng dưỡng cha mẹ già.

Diệu Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94724//lam-giau-tu-nuoi-chim-bo-cau-phap