Lâm Hà: Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Những năm qua, huyện Lâm Hà luôn chú trọng triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn tại địa phương. Qua đó đã từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Thông qua những lớp tập huấn về trồng dâu, nuôi tằm, người dân Lâm Hà mạnh dạn đầu tư và cho thu nhập cao

Thông qua những lớp tập huấn về trồng dâu, nuôi tằm, người dân Lâm Hà mạnh dạn đầu tư và cho thu nhập cao

Là địa phương vùng xa của huyện Lâm Hà, tại xã Phú Sơn, ông Trương Quý Dương - Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Prteing 2 cho biết: “Kinh tế của bà con địa phương ngày càng được ổn định hơn bởi tích cực chuyển đổi, trồng dâu, nuôi tằm đã tăng thu nhập hàng tháng cho người dân. Ban đầu, nhiều hộ dân vùng đồng bào DTTS ngại nuôi tằm vì không biết cách trồng dâu và có tư tưởng sợ khi tiếp xúc với con tằm. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ xã hướng dẫn và tham gia một số lớp tập huấn của huyện tổ chức, người dân thấy được việc nuôi tằm lấy kén cho thu nhập cao nên các gia đình đã chuyển đổi. Trồng dâu, nuôi tằm không cần vốn nhiều, để tằm phát triển tốt, nông hộ cũng đã đổi cách nuôi truyền thống trên nong, né sang nuôi tằm trên khay trượt, việc này giúp tiết kiệm diện tích nuôi tằm, đảm bảo nhà tằm sạch sẽ, thông thoáng, tằm ít bị bệnh hơn. Đến nay, thu nhập bình quân mỗi hộ gia đình khoảng 6 đến 8 triệu đồng/tháng từ trồng dâu, nuôi tằm”.

Gia đình chị K’Hiền ở Phú Sơn trước đây chủ yếu sống nhờ vào cà phê. Nhận thấy việc trồng dâu, nuôi tằm phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần so với trồng cà phê, chị đã mạnh dạn bỏ hơn 4 sào cà phê chuyển sang trồng dâu. “Tham gia các lớp tập huấn và được hướng dẫn tận tình, tôi mạnh dạn chuyển đổi hơn. Riêng gia đình tôi, nuôi tằm 3 tháng cho 2 lứa kén với giá kén dao động từ 130-220 nghìn đồng/kg. Chủ yếu, sau khi có kén tằm, tôi sẽ mang đến các thương lái ở một số xã lân cận để bán. Với giá kén tằm hiện nay, gia đình thu về khoảng 13 đến 15 triệu đồng/tháng, sau khi đã trừ chi phí” - chị K’Hiền nói.

Trong năm 2023, UBND xã Phú Sơn đã tổ chức cho bà con tham quan tại thôn Hang Hớt của xã Mê Linh nhằm học tập kinh nghiệm mô hình trồng dâu của bà con DTTS có hiệu quả. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề huyện Lâm Hà mở 1 lớp về trồng dâu, nuôi tằm tại thôn Prteing 2 với hơn 40 người tham gia. Song song với đó, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm tại thôn Prteing 2, từ đó bà con học hỏi kinh nghiệm của những người làm trước và áp dụng bước đầu đã có hiệu quả.

Huyện Lâm Hà hiện có 16 đơn vị hành chính gồm 2 thị trấn và 14 xã với 170 thôn, tổ dân phố. Dân số toàn huyện đến năm 2024 là 149.853 người; trong đó có trên 93.400 người trong độ tuổi lao động bao gồm khoảng 85.700 người có việc làm, chiếm khoảng 91,7%; khoảng 7.700 người thiếu việc làm và thất nghiệp, chiếm tỷ lệ 8,2%.

Tỷ trọng lực lượng lao động có việc làm ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 78,5%; khu vực thành thị chiếm 21,5%. Số lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong tổng số lao động có việc làm đạt 78,1%; số lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ và hành chính Nhà nước chiếm khoảng 21,9% trên tổng số lao động có việc làm trên địa bàn.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Trinh - Trưởng Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Lâm Hà: “Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thời gian qua, huyện Lâm Hà đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, qua đó nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp. Bên cạnh đó, địa phương cũng chủ động rà soát số lượng lao động đã, đang và chưa qua đào tạo, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức mở các khóa dạy nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi học nghề. Trong đó, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thực hiện tốt đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường và doanh nghiệp sử dụng lao động. Nhờ biết phát huy lợi thế của địa phương, đào tạo những nghề phù hợp với lao động nông thôn”.

Tính đến quý III năm 2024, huyện Lâm Hà đã giải quyết và duy trì việc làm ổn định cho 2.733 lao động/kế hoạch 3.500 lao động, đạt 78% kế hoạch giao; trong đó, thông qua cho vay giải quyết việc làm 1.358 lao động, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật 1.074 lao động, xuất khẩu lao động 21 lao động, giải quyết việc làm mới tại các doanh nghiệp, đào tạo nghề...

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lâm Hà nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Phòng tiếp tục tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện theo kế hoạch đề ra. Thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn huyện Lâm Hà và chương trình đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn huyện. Kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo các lớp nghề theo quy định; quản lý, giám sát chặt chẽ công tác tổ chức giảng dạy, cơ sở vật chất, giáo viên của đơn vị tham gia đào tạo nghề để đảm bảo đạt yêu cầu, an toàn. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ giải ngân kinh phí các lớp đào tạo nghề khi kết thúc lớp học theo quy định. Ngoài ra, thực hiện đầy đủ, đúng quy định các chính sách hỗ trợ cho lao động nông thôn khi tham gia học nghề trên địa bàn huyện”.

THÂN THU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202409/lam-ha-chu-trong-dao-tao-nghe-giai-quyet-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-c5316aa/