Lâm Hà xây dựng thương hiệu bằng các sản phẩm OCOP

Lâm Hà là huyện thuần nông nghiệp, để tạo ra các sản phẩm đặc trưng, huyện cùng với người nông dân xây dựng Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP). Từ đây, nông sản địa phương được khai thác hết tiềm năng, lợi thế; giúp nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Nhiều sản phẩm của Lâm Hà đã được chứng nhận sản phẩm OCOP được thị trường đón nhận

Nhiều sản phẩm của Lâm Hà đã được chứng nhận sản phẩm OCOP được thị trường đón nhận

Để phù hợp với sự phát triển của thị trường và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhất là tham gia phát triển sản phẩm OCOP, các chủ thể kinh tế, HTX trên địa bàn huyện Lâm Hà đã từng bước tiếp cận và thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất để tạo số lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao. Là một trong những vùng trọng điểm được tỉnh quy hoạch trồng và phát triển cây mắc ca, vì thế, bên cạnh việc tập trung quy hoạch mở rộng diện tích mắc ca, huyện Lâm Hà cũng chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho hạt mắc ca qua chế biến, tạo chỗ đứng trên thị trường. Điều đáng phấn khởi là hiện địa bàn huyện đã có các cơ sở, doanh nghiệp tham gia chế biến sâu để đưa hạt mắc ca trở thành đặc sản mới của huyện nhà.

Anh Trần Quốc Chính ở thôn Vinh Quang, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà cho biết, Mắc ca của anh đã đăng ký thành công độc quyền thương hiệu “Macca Lâm Hà - Lâm Đồng”. Để tạo uy tín, niềm tin trong chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao hơn nữa giá trị cạnh tranh của sản phẩm mắc ca trên thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường nước ngoài, doanh nghiệp này không chỉ đầu tư một hệ thống máy móc hiện đại đảm bảo quy trình sản xuất khép kín, mà còn chú trọng đến việc hỗ trợ kỹ thuật cho người nông dân trồng mắc ca.

Sản phẩm của công ty đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đồng thời, được cấp chứng chỉ ISO 2200-2018 và đã hoàn thành hồ sơ công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Tương tự, chè Olong cũng là lợi thế của địa phương Lâm Hà. Bà Trần Phương Uyên, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Trà Long Đỉnh chia sẻ, đến nay, Công ty Trà Long Đỉnh đã đầu tư vùng nguyên liệu trà Olong trên 45 ha tại xã Phúc Thọ (Lâm Hà) và nhà máy chế biến hiện đại bậc nhất sản xuất 3.000 kg trà búp tươi/ngày theo quy trình chè sạch, từ khâu chọn giống cho đến khi ra thành phẩm cuối cùng, đảm bảo lượng hàng hóa xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Trong đó có 10 ha trồng chè hữu cơ, tất cả những sản phẩm này đều được sản xuất và tiêu thụ trong nước với thương hiệu Trà Olong Ba Bông Mai. Vừa qua, sản phẩm này là sản phẩm trà Việt Nam phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia năm 2020.

Theo đó, bộ trà Olong Ba Bông Mai gồm 4 hộp, mỗi hộp chứa 100gr đựng trong bao bạc hút chân không, sản xuất theo tiêu chuẩn organic USDA. Đồng thời sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bảo hộ nhãn hiệu, logo, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp... sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận, tạo ra giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Lâm Hà phát triển dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, như: chè Olong Long Đỉnh, chuối Laba Phú Sơn, cà phê Phú Sơn, mắc ca Huy Hiếu, mắc ca Lâm Hà... Sau khi triển khai theo hướng sản xuất tập trung, phần lớn các sản phẩm đảm bảo đủ điều kiện phát triển thành hàng hóa với sản lượng lớn. Chính vì vậy, hiệu quả bước đầu khá tích cực, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, phục vụ đời sống người dân, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào thị trường với sự chủ động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà, cho biết: Thực hiện chương trình OCOP, huyện Lâm Hà đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, tuyên truyền và khuyến khích các tổ chức kinh tế trên địa bàn các xã, thị trấn tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng sản phẩm đặc trưng bảo đảm các tiêu chí, cũng như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và có tính bền vững.

Trong năm 2020, huyện đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ nguồn kinh phí, huyện đã hỗ trợ 1 máy sàng làm ráo cà phê trong chế biến cà phê bột của Công ty TNHH XNK cà phê Tám Trình; 2 hệ thống máy in date sản phẩm mắc ca của Công ty TNHH Sao Vàng Macca Lâm Hà, Công ty Nông sản sạch Huy Hiếu; hỗ trợ thiết kế và in 10.000 bao bì sản phẩm macca Lâm Hà của Công ty TNHH Sao Vàng; in 1.270 bao bì trà Olong Ba Bông Mai của Công ty Long Đỉnh; xây dựng 2 chứng nhận VietGAP, chứng nhận an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chuối Laba Phú Sơn.

Chương trình đã được nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất biết và chủ động tham gia phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Mỗi người sản xuất đều mong muốn sản phẩm mình làm ra được công nhận, được đánh giá, được nâng hạng, gắn sao để nâng tầm, khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường.

“Thời gian tới, huyện Lâm Hà tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng sản phẩm OCOP; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tem, nhãn mác sản phẩm, bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”, ông Thành cho biết thêm.

HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202102/lam-ha-xay-dung-thuong-hieu-bang-cac-san-pham-ocop-3042673/