'Làm hàng giả ngày càng tinh vi, quy định hiện hành không theo kịp'

Cuộc chiến chống hàng giả gian nan từ khâu xử lý đến hoàn thiện pháp luật

Ngày 10-7, Báo Pháp Luật TP HCM đã tổ chức tọa đàm "Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp".

Cuộc chiến chống hàng giả như một cuộc "đuổi bắt"

Trao đổi tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Nguyễn Nguyên Phương mô tả cuộc chiến chống hàng giả hiện nay như một cuộc "đuổi bắt" vô cùng tốn thời gian và công sức. Việc xử lý hàng giả sau khi bắt giữ khi không chỉ tốn thời gian mà còn đầy rẫy khó khăn, thậm chí "khó hơn cả việc đi bắt hàng giả".

Ông nhấn mạnh các quy định pháp luật hiện hành đã lạc hậu, không theo kịp các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặc biệt là hành vi kinh doanh ẩn danh trên mạng xã hội.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Nguyễn Nguyên Phương

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Nguyễn Nguyên Phương

"Thay vì chỉ tập trung xử phạt, Sở Công Thương triển khai chương trình "Tick xanh trách nhiệm" – một hướng tiếp cận mềm dẻo hơn nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tự nâng cao chất lượng. Các doanh nghiệp tham gia sẽ được cấp chứng nhận chất lượng nhưng nếu một sản phẩm gắn "tick xanh" bị phát hiện vi phạm, toàn bộ hệ thống siêu thị sẽ ngừng nhập sản phẩm của doanh nghiệp đó" – ông Phương chia sẻ.

Về lâu dài, đây là cách giúp nâng chuẩn doanh nghiệp một cách bền vững, từ đó bảo vệ người tiêu dùng từ gốc. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, số lượng doanh nghiệp đăng ký vẫn còn rất khiêm tốn do lo ngại chế tài nghiêm khắc của chương trình.

Không gian mạng - "mảnh đất màu mỡ" cho hàng giả, hàng nhái

Từ góc nhìn của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Phó Cục trưởng Nguyễn Thành Nam đánh giá không gian mạng đang là "mảnh đất màu mỡ" cho hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ. Trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý gần 10.000 vụ, thu về hơn 266 tỉ đồng tiền xử phạt, chuyển cơ quan điều tra 76 vụ có dấu hiệu hình sự.

Dù nỗ lực không ngừng, ông Nam thừa nhận các rào cản lớn vẫn là chế tài xử phạt quá nhẹ, pháp luật lạc hậu so với tốc độ phát triển của công nghệ, và việc giám định hàng giả hiện còn chậm và tốn kém.

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước kiến nghị khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng tăng hình phạt, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các nền tảng số trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Ở phía doanh nghiệp, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, nêu thực tế không ít tổ chức lợi dụng kẽ hở pháp lý để đăng ký nhãn hiệu tương tự thương hiệu thật, sau đó kiện ngược doanh nghiệp chính chủ. Ngoài ra, các thông tin giả mạo trên mạng cũng là đòn tấn công nguy hiểm, từng khiến một thương hiệu thực phẩm chức năng thiệt hại 40% doanh thu chỉ trong 2 tuần.

Luật sư Tú đề xuất cần tăng cường giám sát các hành vi đầu cơ nhãn hiệu để ngăn chặn chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ.

T. Nhân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lam-hang-gia-ngay-cang-tinh-vi-quy-dinh-hien-hanh-khong-theo-kip-196250710144725351.htm