Khi cái giả được hợp pháp đánh bại cái thật: Lỗ hổng luật đang 'trao vũ khí' cho kẻ mạo danh?
Tại tọa đàm 'Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp' sáng 10/7, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, luật sư đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập, đang tồn tại liên quan đến quy định pháp luật, khiến doanh nghiệp gặp khó.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, đại diện pháp lý cho CTCP Nhựa Bình Minh đã chỉ ra tình trạng "cái giả đánh bại cái thật" một cách hợp pháp đang tồn tại.
Theo ông Tú, một số cá nhân hoặc tổ chức cố tình đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một thương hiệu đã có uy tín trên thị trường. Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, họ kiện ngược lại chính doanh nghiệp thật về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
"Trong một vụ việc chúng tôi bảo vệ, doanh nghiệp không chỉ bị đe dọa phải rút sản phẩm khỏi thị trường mà còn đối diện nguy cơ đứt gãy chuỗi phân phối và thiệt hại danh tiếng không thể đo đếm", ông Tú dẫn chứng.

Phòng trưng bày nhận diện hàng vi phạm trong Tháng cao điểm chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước.
Theo ông Tú, gốc rễ vấn đề nằm ở khoảng trống của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam khi vận hành theo nguyên tắc "nộp đơn trước được quyền trước" (first-to-file).
Nguyên tắc này bất lợi cho các thương hiệu đã được sử dụng ổn định và được người tiêu dùng biết đến rộng rãi nhưng chậm chân trong việc đăng ký.
"Việc chỉ dựa vào thời điểm nộp đơn mà bỏ qua yếu tố sử dụng thực tế đang vô tình gây bất lợi cho doanh nghiệp thay vì bảo vệ sự sáng tạo và uy tín của thương hiệu", luật sư nhận định.
So sánh với hệ thống pháp luật của Mỹ, nơi ghi nhận nguyên tắc "sử dụng trước có quyền trước" (first-to-use) để chống lại tình trạng chiếm chỗ hợp pháp một cách phi đạo đức này, luật sư Trương Anh Tú đề xuất luật pháp cần được sửa đổi theo hướng này.
Ngoài ra phải tăng cường giám sát động cơ của các chủ thể đăng ký hàng loạt nhãn hiệu ăn theo để ngăn chặn hành vi đầu cơ, chiếm đoạt.
Ông Võ Quang Phúc, Tổng giám đốc CTCP Phát triển thương mại Mekong Việt Nam lại chỉ ra một vấn đề khác, liên quan đến trách nhiệm của các doanh nghiệp thương mại sở hữu thương hiệu.
Để xây dựng một thương hiệu uy tín, có chỗ đứng trên thị trường, doanh nghiệp phải trải qua quá trình gian nan, tiêu tốn nguồn lực khổng lồ. Tuy nhiên, khi đã thành công xây dựng thương hiệu trong mắt người tiêu dùng, doanh nghiệp lại rơi vào thế bị động vì phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhà sản xuất.
“Chúng tôi luôn nỗ lực lựa chọn những nhà sản xuất uy tín với đầy đủ giấy tờ đạt chuẩn. Thế nhưng quá trình sản xuất có rất nhiều khâu, từ nguyên liệu đầu vào đến công thức phối trộn đều có nguy cơ hàng giả mà thương nhân sở hữu thương hiệu không thể nắm hết được 100%”, ông Phúc đặt vấn đề.
Doanh nghiệp thương mại không thể giám sát trực tiếp những gì diễn ra bên trong nhà máy. Họ đặt hàng dựa trên hợp đồng và các chứng nhận nhưng không thể chắc chắn rằng nguyên liệu hay công thức bị đánh tráo hay thay đổi để giảm chi phí hay không. Kẽ hở này khiến doanh nghiệp phải chịu trận khi sản phẩm gặp vấn đề về chất lượng.
“Việc thương nhân đưa sản phẩm ra thị trường phải chịu trách nhiệm luôn về chất lượng sản phẩm là không khách quan vì chúng tôi không trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất”, đại diện doanh nghiệp nêu quan điểm
Ông Phúc khẳng định, một sản phẩm chính hãng nhưng chất lượng quá thấp so với công bố thì “chính sản phẩm đó cũng là giả”. Đây là một hình thức tự hủy hoại thương hiệu từ bên trong, bào mòn niềm tin của khách hàng một cách từ từ nhưng vô cùng nguy hiểm.
Thay mặt một nhóm doanh nghiệp thương mại, ông Phúc đề xuất cần phân định lại vai trò một cách rạch ròi, sòng phẳng. Theo đó, đơn vị sản xuất phải chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng sản phẩm so với những gì đã công bố. Về phần mình, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu sẽ chịu trách nhiệm về hoạt động phân phối, quảng bá và các vấn đề sở hữu trí tuệ của hàng hóa trên thị trường.