Làm hồ sơ tại nhà, giải ngân tại xã ở Đắk Nông

Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Đắk Nông đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ người vay vốn theo hướng làm hồ sơ tại nhà, giải ngân tại xã.

Công khai, minh bạch

Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) thôn 15, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp có hơn 55 thành viên. Tổng dư nợ của tổ hiện xấp xỉ 2,2 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thiện Trung, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn 15, hầu hết các thành viên trong tổ đều được tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH để phát triển sản xuất. Nhiều bà con đã vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi này.

Trước khi vay vốn, các tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội Đắk Nông phải thực hiện bình xét công khai

Trước khi vay vốn, các tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội Đắk Nông phải thực hiện bình xét công khai

Hàng tháng, tổ đều họp định kỳ để nắm bắt nhu cầu vay vốn của các thành viên. Trên cơ sở ý kiến đồng ý của tất cả các thành viên, tổ sẽ ưu tiên những hộ gia đình nào khó khăn được vay vốn trước.

“Các thành viên phải nêu lên được phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đầu tư vào mô hình gì phải được tổ thông qua, nhằm bảo đảm nguồn vốn sau khi vay phát huy hiệu quả”, ông Trung cho biết.

Theo ông Trung, khâu bình xét đối tượng vay vốn được tổ thực hiện công khai. Quá trình họp bình xét, có sự tham gia góp ý của cán bộ ngân hàng, ban tự quản thôn, các tổ chức hội, đoàn thể. Sau khi bình xét, mọi hồ sơ, thủ tục, ban quản lý tổ TK&VV sẽ hướng dẫn tận tình cho thành viên.

Quá trình giải ngân vốn, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay được tổ hướng dẫn người dân thực hiện. Các mô hình đầu tư vốn hiệu quả, tổ TK&VV nêu lên tại cuộc họp để các thành viên khác học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Nhờ đó, hầu hết các thành viên vay vốn đều đã phát huy hiệu quả nguồn vốn, cuộc sống từng bước nâng cao.

Người dân xã Đắk Wil, huyện Cư Jút (Đắk Nông) vay vốn từ NHCSXH đầu tư vào sản xuất

Người dân xã Đắk Wil, huyện Cư Jút (Đắk Nông) vay vốn từ NHCSXH đầu tư vào sản xuất

Hộ gia đình bà Lê Thị Chi, thôn 15, xã Đắk Wer vừa được vay 80 triệu đồng từ NHCSXH theo chương trình cho vay hộ nghèo. Từ lúc bình xét, làm hồ sơ đến khi ngân hàng giải ngân chỉ mất 1 tuần. Có nguồn vốn vay ưu đãi, bà kịp thời đầu tư vào 2ha cà phê.

“Các thành viên khác trong tổ rất đồng tình cho gia đình tôi vay vốn trước. Thủ tục vay vốn được hướng dẫn cụ thể, chi tiết nên khá đơn giản. Được vay vốn kịp thời, gia đình có nguồn đầu tư vào vườn cây để có kết quả tốt nhất”, bà Chi chia sẻ.

Rà soát kỹ đối tượng

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, Đắk Nông hiện có trên 1.600 tổ TK&VV. Thông qua hoạt động của các tổ, quá trình bình xét, vay vốn, kiểm tra sử dụng vốn vay đều được nắm bắt kịp thời tại cơ sở.

Hàng năm, trên cơ sở nhu cầu vay vốn các thành viên trong tổ TK&VV, NHCSXH bổ sung nguồn vốn kịp thời. Trong đó, đơn vị ưu tiên những địa bàn còn có hộ nghèo, cận nghèo cao.

Những khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn rà soát kỹ nhu cầu, tạo điều kiện cho bà con được vay vốn ưu đãi để sản xuất.

“Trong quá trình rà soát, chúng tôi kiểm tra kỹ mô hình, phương án sản xuất của bà con. Những hộ nào có mô hình sản xuất hiệu quả, ngân hàng nâng hạn mức vay, đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho bà con”, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Vũ Anh Đức cho biết.

NHCSXH huyện Đắk Glong (Đắk Nông) nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân tại địa bàn

NHCSXH huyện Đắk Glong (Đắk Nông) nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân tại địa bàn

Các phòng giao dịch NHCSXH trực thuộc thường xuyên rà soát chất lượng hoạt động của các tổ TT&VV. Hàng năm, NHCSXH tổ chức tập huấn nhiều nghiệp vụ như: quản lý vốn vay, hoạt động ủy thác… cho các tổ TK&VV.

Từ khâu kiểm tra việc bình xét cho vay đến giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích; trả nợ, trả lãi đúng quy định đều bảo đảm công khai, minh bạch.

Những tổ nào hoạt động hiệu quả, ngân hàng khen thưởng kịp thời. Riêng những tổ hoạt động yếu kém, NHCSXH phối hợp với địa phương kiện toàn lại để nâng cao chất lượng.

Với phương châm “làm hồ sơ tại nhà, giải ngân tại xã”, tất cả hồ sơ, thủ tục liên quan đều được hệ thống tổ TK&VV thực hiện. Sau khi đủ điều kiện, đến ngày giao dịch tại điểm lưu động xã, người dân chỉ cần đến ký nhận và nhận số tiền vay.

Thời gian từ khi xem xét hồ sơ đến khi được giải ngân rất nhanh chóng. Nhờ vậy, hầu hết bà con trong diện đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nguyễn Lương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/lam-ho-so-tai-nha-giai-ngan-tai-xa-o-dak-nong-226846.html