Làm lại cuộc đời sau vấp ngã
Với mỗi người, cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng, thậm chí có người đã sai lầm, vấp ngã. Dẫu vậy, có nhiều người sau lầm lỗi, đã biết vượt qua mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, tích cực phát triển kinh tế, trong đó có anh Phạm Bá Dân, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai.
Cùng chúng tôi xuống thăm xưởng mộc của anh Phạm Bá Dân, Trung úy Quàng Văn Nguyên, Công an xã Mường Giàng, nói: Anh Dân là trường hợp nghiện ma túy phải vào điều trị tại cơ sở cai nghiện nhiều lần. Giờ đây, anh Dân không những đã hòa nhập cộng đồng, tích cực lao động, phát triển kinh tế gia đình và góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương với thu nhập ổn định.
Sau cái bắt tay chào hỏi, anh Dân mời chúng tôi vào nhà uống nước. Nhấp ngụm nước chè, anh Dân, kể: Năm 1993, tốt nghiệp Khoa ngữ Văn Trường cao đẳng sư phạm Tây Bắc về công tác tại Trường THCS Pắc Ma (nay là Trường THCS Pá Ma Pha Khinh) và Trường THCS Mường Giôn. Ngày ra trường, lúc đó mới 22 tuổi, tuổi trẻ bồng bột, nên nghĩ là thử ma túy cho biết. Ai ngờ, thử rồi lại không thể dứt ra được. Đến lúc gia đình biết, có khuyên can, tôi từng từ bỏ nhưng rồi lại tái nghiện. Năm 1997, tôi bị bắt đi cải tạo theo diện bắt buộc. Sau 3 tháng, tôi trở về công tác nhưng sau đó lại bị bắt vì sử dụng chất ma túy. Từ năm 1998 - 2000, tôi được đưa đi cai nghiện ma túy tại Trại giam Yên Hạ (Phù Yên). Nhiều đêm ngồi một mình trong bốn bức tường của nhà giam, nghĩ đến bố mẹ, anh chị ở nhà đang ngày đêm trông mong, khiến tôi quyết tâm từ bỏ ma túy. Từ đó, tôi cố gắng điều trị theo phác đồ, chờ ngày về với gia đình và làm lại cuộc đời.
Những ngày mới ra trại, anh không dám ra đường, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà vì mặc cảm, tự ti. Nhiều lúc muốn gặp bạn bè, nhưng lại không dám vì thấy mình thua kém. Nhìn bố mẹ già yếu, đôi mắt trũng sâu vì lo lắng cho mình, cộng với đó là sự động viên của gia đình, chính quyền địa phương, nên đã anh quyết tâm đứng dậy làm lại từ đầu.
Anh học nghề mộc, ban đầu làm lồng chim để bán lấy tiền trang trải sinh hoạt phí. Sau một thời gian, anh đi làm thuê ở các xưởng mộc trên địa bàn. Sau đó, có vốn, kinh nghiệm anh về mở xưởng mộc cho riêng mình. Chịu khó lao động, các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của anh làm ra có mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, nên được khách hàng tin tưởng đặt hàng. Hiện nay, xưởng của anh chủ yếu là làm các đơn hàng gia công đồ gỗ mỹ nghệ. Anh tạo việc làm ổn định cho 1 lao động chính với thu nhập 15 triệu đồng/tháng và nhiều lao động thời vụ, thu nhập 250 nghìn đồng/người/ngày.
Con đường hoàn lương luôn là một hành trình đầy gian nan, thử thách, nhất là đối với những người đã từng “lầm đường, lạc lối”, nhưng với sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, gia đình và xã hội, sự nỗ lực vươn lên từ chính bản thân đã giúp anh Dân đã vượt qua sự tự ti, mặc cảm, những cám dỗ, lôi kéo và làm lại cuộc đời, sống có ích cho xã hội.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/lam-lai-cuoc-doi-sau-vap-nga-52305