Làm lây dịch, giám đốc Công ty thẩm mĩ viện Amida bị xử lý thế nào?
Luật sư đánh giá với hậu quả gây ra, Nguyễn Quang Trọng đối diện mức án tối đa 12 năm tù và phải đền bù 7,1 tỷ đồng.
Công an thành phố Đà Nẵng vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Quang Trọng (29 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH thẩm mỹ viện quốc tế Amida) về tội Vi phạm quy định an toàn ở nơi đông người.
Theo công an, Trọng là người tổ chức cuộc họp tại công ty vào tối 2/5. Anh ta yêu cầu nhân viên bỏ khẩu trang, hô to khẩu hiệu. Sau cuộc họp, Công ty Amida ghi nhận 65 ca dương tính với SARS-CoV-2. Cơ quan chức năng phải chi 7,1 tỷ đồng để truy vết, cách ly, điều trị cho các ca mắc Covid-19 liên quan đến công ty này.
Có thể bị phạt 12 năm tù
Luật sư Thái Phương Quế (Đoàn Luật sư Hà Nội) đánh giá hành vi của Trọng thể hiện sự thiếu ý thức, vi phạm nghiêm trọng quy định phòng dịch, gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Con số 65 người mắc Covid-19 cùng khoản tiền 7,1 tỷ đồng để truy vết, cách ly, điều trị cho các bệnh nhân sẽ là căn cứ để xử lý hình sự đối với Giám đốc Công ty TNHH thẩm mỹ viện quốc tế Amida.
Đối chiếu quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư Quế cho rằng hành vi của Trọng đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người. Do đó, việc cơ quan chức năng khởi tố Trọng theo tội danh này là đúng người, đúng tội.
"Thiệt hại thực tế được xác định là 7,1 tỷ đồng. Do đó, bị can Trọng bị khởi tố theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt áp dụng với tội danh và tình tiết định tội này là 6-12 năm tù", luật sư Quế phân tích.
Trước một số ý kiến yêu cầu khởi tố thêm tội danh Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người đối với Giám đốc Công ty Amida, luật sư nhận định theo Mục 1.1 Công văn 45/TANDTC – PC và Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi của Trọng không thuộc nhóm "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”. Do đó, không đủ căn cứ khởi tố thêm tội danh đối với bị can này.
Bồi thường thiệt hại ra sao?
Dưới góc độ dân sự, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội) đánh giá buổi gặp mặt của Trọng là tác nhân chính, gây ra khoản thiệt hại 7,1 tỷ cho ngân sách Nhà nước. Do đó, bị can có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mình gây ra theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
"Trọng phải sử dụng tài sản cá nhân để bồi thường thiệt hại. Trường hợp tài sản cá nhân không đủ để bồi thường, cơ quan chức năng có thể vận động ông Trọng thuyết phục người thân tự nguyện tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả để nhận sự khoan hồng của pháp luật", luật sư Tiền phân tích.
Nói thêm về hành vi này, ông Tiền cho rằng Giám đốc Công ty Amida đã gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của cộng đồng. Cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm minh trường hợp này để làm gương, để người dân nâng cao ý thức trong công tác phòng dịch.
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại tháng 4, Trọng tổ chức cuộc họp có trên 30 nhân viên công ty tham gia. Cuộc họp diễn ra tại công ty từ 20h30 đến 22h15 ngày 2/5. Trước khi vào họp, các nhân viên đều mang khẩu trang theo quy định. Nhưng sau đó, Trọng yêu cầu nhân viên không đeo khẩu trang.
Sau đó ít ngày, ngành y tế ghi nhận có 65 nhân viên công ty này mắc Covid-19. Trụ sở công ty ở đường Phan Châu Trinh và Điện Biên Phủ là "điểm nóng", bị phong tỏa 14 ngày.
Các cơ quan chức năng đã phải chi 7,1 tỷ đồng để thực hiện truy vết, cách ly và điều trị cho các ca mắc Covid-19 liên quan đến Công ty TNHH thẩm mỹ viện quốc tế Amida.