Làm mái che cho đường!

Đoàn công tác trong đó có ông Đinh Duy Vượt, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, khi thị sát tuyến tránh đường Hồ Chí Minh qua huyện Chư Sê ngày 17-9 đã không khỏi sốc trước tình trạng nứt toác nghiêm trọng dù mới thi công xong.

Công trình này có tổng mức đầu tư 250 tỉ đồng, toàn tuyến dài 10,8 km, do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) đại diện chủ đầu tư; hoàn thành hồi giữa năm nay; đến đầu tháng 9-2019, sau vài cơn mưa lớn đã nứt toác nhiều chỗ trên mặt đường, hai bên ta-luy đều vỡ, có đoạn "lạc trôi" mảng to nhựa mặt đường, có nơi sụt thẳng đứng cả mét...

Tuyến tránh đường Hồ Chí Minh qua huyện Chư Sê Ảnh: HOÀNG THANH/NLĐO

Tuyến tránh đường Hồ Chí Minh qua huyện Chư Sê Ảnh: HOÀNG THANH/NLĐO

Trước nguy cơ tai nạn chực chờ, cơ quan hữu trách đã đặt biển hiệu thông báo ngưng lưu thông, tạm đình chỉ công tác một số cá nhân, đồng thời tìm căn nguyên.

"Quá khủng khiếp!" - ông Đinh Duy Vượt thốt lên. Đây đúng là tuyến "đường tránh" - tránh... phải đi vào, bởi mất an toàn như vậy thì có ai dám! Người ta cũng chưa kịp cắm biển "đường chờ lún" thì nó đã lún "sâu sắc", khỏi cắm. Thật bi hài!

Đường hàng trăm tỉ mà chỉ sau mấy cơn mưa đã bung vỡ, cứ tưởng như được đắp bằng bùn! Các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát đã kịp nghĩ ra lý do gì khác để biện hộ chưa, hay lại đổ thừa cho những nguyên nhân đã nghe nhàm tai như nền đất yếu, mưa nhiều và... biến đổi khí hậu (!).

Vụ này nhắc nhớ trường hợp đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 34.500 tỉ đồng chỉ một thời gian ngắn sau thời điểm thông xe toàn quyến (2-9-2018) đã xuất hiện nhiều ổ gà trên mặt đường, bong tróc, cong võng, cầu thấm dột. Ban đầu, chủ đầu tư biện hộ do lưu lượng xe đông và trời mưa nhiều nhưng sau đó phải thừa nhận mắc lỗi trong thi công. Đến đầu năm 2019, Bộ GTVT cho biết đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kỷ luật 10 cá nhân và tập thể liên đới.

GTVT là lĩnh vực mà ngân sách phải chi hằng năm rất lớn để đầu tư xây dựng - nâng cấp hạ tầng và trả nợ. Nhưng thất thoát trong lĩnh vực này cũng báo động, trong đó có xây dựng cầu đường. Biết vậy song đâu dễ phát hiện và xử lý. Thực tế cho thấy phải đến khi có công trình bị hư hỏng bất thường hoặc bị sự cố nghiêm trọng trong khi vận hành, dẫn tới bị thanh - kiểm tra thì sai phạm mới lòi ra, rồi sau đó mới có những cá nhân và tập thể cụ thể bị kỷ luật.

Đó cũng là một trong những "cơ sở" để ra đời cái gọi là "đường chờ lún" - tên gọi được xem là "phát minh" chỉ có ở Việt Nam, thực chất là để né tránh trách nhiệm, phòng ngừa bị sờ gáy khi công trình bị hỏng nặng sau nghiệm thu. Đây là một dạng thức đổ thừa cho thiên nhiên, đẩy tội cho trời. Muốn đường sá không phải chịu nắng mưa khắc nghiệt để khỏi bị xuống cấp nhanh, lòi ra hư hỏng thì chỉ có cách dựng mái che cho mặt đường, kể cả cao tốc.

Người trần đã quen đẩy tội cho trời nhưng đâu phải vậy là xong. Thiên nhiên dường như cũng biết tương kế tựu kế bằng cách dội xuống vài cơn mưa lớn, thế là tội của ai, biết liền!

Với những vụ như tuyến đường tránh qua Chư Sê, cần bổ sung hình phạt: Ai gây hậu quả phải bỏ tiền ra đền, không cho lấy công khố để khắc phục lỗi lầm cá nhân.

A.Q

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/lam-mai-che-cho-duong-20190917231400641.htm