Làm mới bản thân sau thất nghiệp
Nôn nóng tìm việc làm sau khi thất nghiệp khiến nhiều người vội vã nhận làm các vị trí không đúng chuyên môn, thậm chí bị lừa
Sau dịch COVID-19, tình trạng thất nghiệp từ lao động phổ thông đến lao động chất lượng cao khá phổ biến. Người lao động (NLĐ) tự xin nghỉ việc hay bị mất việc đều có trạng thái chung là hoang mang, lo lắng khi không còn việc làm, thu nhập… nên nôn nóng tìm kiếm việc mới. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu biết tận dụng quãng thời gian thất nghiệp cho các hoạt động phù hợp, chắc chắn năng lực và kinh nghiệm của NLĐ sẽ tăng lên, từ đó dễ tìm được công việc phù hợp.
Chấp nhận mức lương thấp
Chị Vũ Thị Nguyệt (34 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) là 1 trong gần 100 công nhân không được tái ký hợp đồng khi công ty gặp khó khăn về đơn hàng gia công may mặc. Do đó, từ đầu năm 2023, chị Nguyệt không phải đến chuyền may ráp cổ áo - nơi chị đã gắn bó hơn 7 năm. Chị được nhận lương cơ bản hơn 6 triệu đồng/tháng đến hết tháng 2 vừa qua.
Tuy lương công nhân may không cao nhưng đó là khoản thu nhập chính của chị để chăm lo mẹ già. "Tôi hoang mang khi biết mình sẽ mất việc sau Tết dương lịch. Vì vậy, tôi đã tìm việc trước ở nhiều nơi gần nhà để tiện chăm sóc mẹ nhưng hơn 1 tháng không nơi nào tuyển dụng. Nghĩ đến cảnh hết tiền, không có thu nhập hai mẹ con sẽ sống ra sao, tôi đã mất ăn mất ngủ nhiều ngày" - chị Nguyệt bày tỏ.
Không còn cách nào khác, chị lên mạng tìm việc để rồi bị lừa mất 5 triệu đồng. Chị như chết lặng vì đó là khoản tiền cuối cùng để hai mẹ con vượt qua tháng 3. May mắn, đầu tháng 3 chị được một người bà con giới thiệu công việc lau dọn tại siêu thị gần nhà với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng. Chị Nguyệt cho rằng sự nôn nóng đã làm chị mất cảnh giác, đó là bài học lớn từ khi đi làm.
Gần 20 năm kinh nghiệm, 7 năm làm giám đốc kinh doanh ngành thiết bị môi trường cho một doanh nghiệp 100% vốn Hồng Kông (Trung Quốc) tại Việt Nam, anh Lê Văn Phú Quý (41 tuổi, quê Khánh Hòa) chưa bao giờ nghĩ đến bị mất việc. Thế nhưng, đầu năm 2023, công ty mẹ ở Hồng Kông tuyên bố thu hẹp hoạt động, các thị trường nước ngoài cho giải thể, chỉ giữ lại bộ phận chăm sóc khách hàng vì tập đoàn gặp khó khăn về tài chính. Vậy là anh Quý thất nghiệp.
"Sốc, buồn cả tháng, bởi đã lớn tuổi và vị trí công việc của tôi khó kiếm việc. Để dễ tiếp cận công việc mới, tôi tự hạ thấp mức lương, vị trí khi ứng tuyển. Sau Tết Nguyên đán, một công ty đã gọi điện thông báo có nhu cầu tuyển chuyên viên kinh doanh, sợ vuột mất cơ hội, tôi nhận việc dù mức lương chưa bằng một nửa so với công ty cũ" - anh Quý nói.
Cập nhật kỹ năng, kinh nghiệm
Thất nghiệp không loại trừ một ai khi đi làm. Thay vì lo lắng, các chuyên gia khuyên NLĐ nên sẵn sàng đón nhận và làm tất cả có thể để tự tin quay lại thị trường lao động. TS tâm lý Tô Nhi A cho rằng mất việc khiến cho nhiều người cảm thấy không vui, tâm trạng trở nên thất thường, lo lắng, mất tự tin cùng các vấn đề tâm lý nặng nề khác như trầm cảm, rối loạn lo âu...
Thất nghiệp có thể là cú sốc tinh thần nhưng lại là cơ hội để NLĐ sắp xếp lại cuộc sống, chuẩn bị cho một hành trình sự nghiệp mới triển vọng hơn. NLĐ có thể tận dụng thời gian thất nghiệp của mình để hiện thực hóa những điều NLĐ trước đây từng mong muốn làm. Đọc những cuốn sách yêu thích, dọn dẹp lại căn phòng, trồng những cây xanh, chăm sóc thú cưng..., hoặc nhìn lại bản thân xem mình thiếu cái gì để bồi dưỡng, bổ sung thêm. "Chắc chắn các nhà tuyển dụng muốn một ứng viên tràn đầy năng lượng, tự tin. Vì vậy, hãy dành thời gian đủ để nâng cấp bản thân sau khi mất việc. Nhìn lại lý do mình mất việc cũng là cách để vươn lên. Nên nhớ, càng tự tin, càng tỉnh táo thì càng có cơ hội đưa ra giải pháp tốt hơn" - TS Tô Nhi A khuyên.
Bà Phạm Lan Khanh, người sáng lập và điều hành Công ty CP FreelancerViet (quận 7, TP HCM), cho rằng người mất việc cần dành thời gian nghỉ ngơi, tự thưởng cho mình một chuyến đi chơi để cân bằng cảm xúc, khám phá thêm về năng lực của bản thân. Công việc tạm thời, làm tự do trong giai đoạn hậu thất nghiệp cũng là cách hay để NLĐ duy trì trạng thái làm việc và thu nhập.
Hơn nữa, làm tạm một công việc nào đó có thể giúp NLĐ biết được năng lực mới của bản thân, đồng thời duy trì và kết nối được với các mối quan hệ xã hội để không bị cảm giác là người thừa khi thất nghiệp. "Làm lại CV (hồ sơ tìm việc), cập nhật mới kinh nghiệm, kỹ năng đã có và đưa đến những trang tuyển dụng uy tín. Một CV đẹp, chuyên nghiệp sẽ sớm lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng. Đừng bao giờ giấu giếm hiện trạng công việc của mình với bạn bè, người thân vì biết đâu họ sẽ trao cho bạn cơ hội việc làm tốt" - bà Khanh nói.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/lam-moi-ban-than-sau-that-nghiep-20230317210050624.htm