'Làm mới' các động lực tăng trưởng cũ bằng chính sách, pháp luật

Cuối giờ chiều ngày 19/9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Các ý kiến tại diễn đàn đều nhấn mạnh cần phải 'làm mới' các động lực tăng trưởng cũ trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.

Chính sách hành chính, thụ động sẽ làm giảm niềm tin của doanh nghiệp

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, diễn đàn đã dành nhiều thời gian trọng tâm không chỉ vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn mà còn tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.

Toàn cảnh Diễn đàn chiều 19/9. Ảnh: D.A

Tóm tắt lại một số nội dung chính đã được các đại biểu tập trung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội cho biết, diễn đàn đều thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.

Ngược lại, việc ban hành, thực thi các chính sách mang tính hành chính, sự vụ, phản ứng thụ động, thiếu định hướng dài hạn của đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ tiếp tục làm suy giảm niềm tin của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và sẽ làm suy giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế cả về quy mô và chất lượng.

Bên cạnh củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, diễn đàn cũng nhấn mạnh phải phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới; đặc biệt là các động lực như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân; đồng thời, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nhất là cho chuyển đổi số một cách bền vững, an toàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường phối hợp với các quốc gia trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hiện có…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn. Ảnh: D.A

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn. Ảnh: D.A

Tại diễn đàn, nhiều gợi ý chính sách quan trọng, ý nghĩa, thiết thực được đưa ra xoay quanh chủ đề của diễn đàn, nhằm hướng tới tăng trưởng và phát triển bền vững nền kinh tế.

Trong đó, về năng lực, động lực nội sinh của nền kinh tế, các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, theo đó, nghiên cứu, ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tăng vốn điều lệ của các ngân hàng; phối hợp chính sách hiệu quả nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và thúc đẩy tăng trưởng.

Nhấn mạnh nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc ưu tiên đào tạo các tài năng cá biệt và các kỹ năng mới nổi phải là chính sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Thứ hai, về vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, chúng ta cần phát huy các động lực từ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới bền vững. Đây là những động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam, tuy nhiên đến nay đang có dấu hiệu suy giảm hoặc chậm lại.

Cải cách thể chế kinh tế cần nhiều thời gian

Thứ ba, về kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều gợi ý chính sách, trong đó tập trung vào 5 động lực chủ yếu: thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa, đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế; nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và năng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế.

“Chúng ta cần sớm ban hành tiêu chí xanh, có cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp, dành nguồn lực ngân sách thỏa đáng nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh; hạn chế thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Các đại biểu cho rằng, cần có thêm các chính sách nhằm quan tâm thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; triển khai trung tâm tài chính quốc tế Hồ Chí Minh.

Các đại biểu cũng đề cập nhiều đến động lực từ lợi ích thiết thực của tăng trưởng xanh và khẳng định đây là con đường tất yếu, trụ cột xuyên suốt trong định hình các chiến lược, kế hoạch, chính sách nhằm hướng tới nâng cao sức cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Các chuyên gia tham gia thảo luận tại Diễn đàn. Ảnh: D.A

Các chuyên gia tham gia thảo luận tại Diễn đàn. Ảnh: D.A

Theo các đại biểu, cải cách và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế là động lực đột phá nhưng điều này cũng khó thực hiện và có thể cần nhiều thời gian nhất, bởi động lực này giúp kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn, minh bạch. Đây là một trong những đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước.

Để đẩy mạnh cải cách thể chế, Chủ tịch Quốc hội cho biết các đại biểu đề nghị cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Cải cách thể chế cần bảo đảm tính đồng bộ (giữa trung ương và địa phương, trong nước và quốc tế, ban hành và tổ chức thực thi, giữa các ngành, lĩnh vực,...); cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế (nhất là các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, đấu thầu, cơ chế đặc thù cho một số địa phương động lực; hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật thực thi để kết nối các khu vực kinh tế, tạo liên kết kinh tế giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng…

“Lần này thông điệp phát huy nội lực, năng lực nội sinh, kiến tạo các động lực tăng trưởng mới được đưa ra rất mạnh mẽ và tôi rất mừng là diễn đàn của chúng ta đã đạt được kết quả” - Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lam-moi-cac-dong-luc-tang-truong-cu-bang-chinh-sach-phap-luat-136082.html