'Làm nên Đất Nước muôn đời'
'Đất nước' - hai tiếng ấy thật nguyên sơ, mộc mạc, gần gũi mà chứa đựng thật nhiều giá trị thiêng liêng. Bất kỳ lúc nào, chỉ cần cất lên hai tiếng 'đất nước', trong lòng người Việt cũng dậy lên niềm tự hào, cũng rưng rưng cảm xúc thương mến…
Gặp gỡ, trò chuyện với những chiến sỹ tiền khởi nghĩa luôn gợi cho thế hệ trẻ nhiều cảm xúc về “hồn nước”
Tôi không nhớ, từ bao giờ, trong trí nghĩ của tôi bắt đầu xuất hiện ý niệm về đất nước nhưng tôi nhớ, những đêm mùa đông xa xôi, bên bếp lửa hồng, bố tôi thường ngâm cho tôi nghe rất nhiều bài thơ về đất nước, về chiến tranh. Đất nước hình thành trong tôi từ đó - không phải trong hình hài chữ S và các quần đảo trên bản đồ mà từ những câu chuyện truyền thuyết của bà, những câu chuyện chiến trận của bố. Sau này, khi được cô giáo dạy văn giảng cho nghe về đoạn trích “Đất Nước” trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, về cách nhà thơ viết hoa từ “Đất Nước” càng giúp tôi cảm nhận rõ hơn về điều đó.
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có từ cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”
Kể từ Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) - nhân vật tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh của tuổi trẻ, bao thế hệ cha ông đã lao động và sẵn sàng chiến đấu chống giặc để cùng tạc nên dáng hình đất nước. Như Nguyễn Khoa Điềm nói: “Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi/ Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước” hay Giang Nam cũng nói: “Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi”…
"Đất Nước có từ cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể". Minh họa từ Internet về Phù Đổng Thiên Vương - Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc Ân xâm lược.
Bởi có những lớp người làm nên đất nước như thế nên thế hệ trẻ chúng tôi chạm vào đâu cũng rưng rưng niềm tự hào, rưng rưng lòng biết ơn. Có lẽ bởi thế nên những người thân trong gia đình tôi, người hàng xóm nông dân của tôi và nhiều người nữa đã luôn ăn mặc chỉnh tề mỗi lần treo lên trước cửa nhà mình lá cờ Tổ quốc thiêng liêng.
Bởi thế nên rất nhiều người đã bồi hồi, xao xuyến khi hướng mắt về lá cờ đỏ sao vàng và cất lên giai điệu Quốc ca hùng hồn. Giây phút ấy, bao giờ cũng đầy lên trong lồng ngực cảm xúc thiêng liêng. Rất nhiều người bạn của tôi bày tỏ rằng, họ thích tự hát Quốc ca trong lễ chào cờ bởi như thế họ mới cảm nhận được rõ hơn “những buổi ngày xưa vọng nói về” (Nguyễn Đình Thi).
Thậm chí, trong những khoảnh khắc nào đó, có người đã khóc khi đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng và hát “cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”… Đó là những giọt nước mắt của lòng yêu nước, thương nòi sâu nặng…
Trong cuộc đời làm báo của mình, rất nhiều lần tôi đã được gặp “hồn nước” trong những chuyến đi về các địa danh lịch sử của Tổ quốc; trong những câu chuyện kể của cán bộ tiền khởi nghĩa, của các cựu chiến binh từng nhiều lần vào sinh ra tử bảo vệ non sông. Mỗi miền đất, mỗi câu chuyện lại mang đến cho tôi những nhận cảm khác nhau về đất nước.
Hát Quốc ca trong lễ chào cờ luôn gọi dậy trong lòng người những cảm xúc thiêng liêng về đất nước. Ảnh Internet
Còn khắc sâu trong ký ức của tôi là lần được đến huyện Ngọc Hiển - Cà Mau, trải nghiệm hành trình tìm lại dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển. Tại đây, chúng tôi đã giải mật mã tìm ra bến Vàm Lũng - bến cuối cùng của con đường lịch sử, cũng là nơi chuyến tàu đầu tiên chở 30 tấn vũ khí từ miền Bắc tiếp tế cho chiến trường miền Nam cập bến an toàn. Bến Vàm Lũng gắn với tên tuổi Anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa - người chiến sỹ cách mạng tiên phong mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trong căn nhà đơn sơ của Anh hùng Bông Văn Dĩa, đọc những dòng nhật ký của ông, tôi đã hiểu, dáng hình đất nước đã được khắc họa đậm hơn bằng những con người quả cảm, thông minh như thế.
Họ chính là hiện thân của những câu thơ đầy hào sảng của Chế Lan Viên: “Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”, hay những câu thơ đầy triết lý mà cũng đậm chất thơ của Nguyễn Khoa Điềm: “Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời...”.
Bởi đã có một thế hệ hy sinh để nhuộm thắm “hồn nước” nên mỗi lần treo lên trước cửa nhà mình lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, người dân Hà Tĩnh luôn ăn mặc chỉnh tề và treo cờ với rất cả lòng tự hào về lịch sử đất nước.
Cũng bởi cùng chung một khát vọng “làm nên Đất Nước muôn đời” nên các thế hệ hôm nay đã không ngừng học tập, nỗ lực khẳng định mình. “Đời rạng rỡ mỗi con người tự sáng” (Tố Hữu). Không ở đâu xa, ngay trên mảnh đất nắng lửa mưa chan Hà Tĩnh, truyền thống hiếu học của ông cha đã được nhiều thế hệ kế tục, làm rạng danh quê hương.
Nhớ lại tiết học văn mùa thu năm ấy, trong đầu tôi cứ thôi thúc ý nghĩ về niềm hy vọng “Mai này con ta lớn lên/ Con sẽ mang đất nước đi xa”. Niềm hy vọng ấy ngày càng hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống. Có rất nhiều cách để “mang đất nước đi xa”, có thể là bằng con đường văn hóa, thể thao, có thể bằng con đường kinh tế, giáo dục… và đó đều là cách mở rộng biên giới “hồn nước” một cách thật vẻ vang trước bạn bè thế giới của thế hệ hôm nay.
Tôi đã đi trọn chiều dài của đất nước, cũng đã trải qua nhiều cảm xúc khác nhau khi nghĩ về đất nước trên những miền đất khác nhau, khi gặp gỡ những con người “làm nên lịch sử” thuộc nhiều thế hệ. Vẫn còn đó những niềm đau thương còn âm ỉ trong đời sống Nhân dân nhưng họ là những người “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”, lại cần mẫn lao động, sáng tạo, lặng lẽ yêu nước, xây dựng đất nước theo cách riêng của mình…
Anh Hoài
(*) Trích “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm.
Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/chinh-tri/lam-nen-dat-nuoc-muon-doi/197859.htm