Lâm nghiệp Lào Cai hướng tới phát triển bền vững

Lào Cai là tỉnh có tiềm năng và lợi thế phát triển ngành lâm nghiệp, diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh chiếm 65% diện tích tự nhiên, nguồn nguyên liệu lâm sản dồi dào, phong phú với gần 100.000 ha rừng trồng sản xuất các loại, tạo ra từ 300.000 đến 600.000 m3 gỗ/năm và nhiều lâm sản đặc hữu khác; kết hợp với điều kiện giao thương thuận lợi cả đường sắt và đường cao tốc nối với Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng. Đây là những điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, xuất khẩu lâm sản.

Lào Cai có tiềm năng và lợi thế phát triển ngành lâm nghiệp.

Lào Cai có tiềm năng và lợi thế phát triển ngành lâm nghiệp.

Giai đoạn 2016 - 2020, thông qua việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành, Nghị quyết 09-NQ/TU, Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, ngành lâm nghiệp Lào Cai đã có nhiều kết quả nổi bật. Tất cả các chỉ tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020 đều đạt và vượt kế hoạch. Cơ bản diện tích rừng được bảo vệ an toàn, không xảy ra điểm nóng trong vi phạm Luật lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng đạt 56,07% vào năm 2020; góp phần đảm bảo an ninh môi trường, giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Cùng với việc bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, sản xuất lâm nghiệp có chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 12%/năm; giá trị lâm sản 1 ha rừng trồng đạt hơn 35 triệu đồng/ha/năm; hình thành vùng nguyên liệu hơn 71.000 ha có liên kết với các nhà máy chế biến.

Công tác quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái và chi trả dịch vụ môi trường rừng đã có kết quả. Hằng năm, thu từ dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 100 tỷ đồng. Một số sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như quế, bồ đề, măng sặt… đem lại giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh những kết quả trên, lâm nghiệp Lào Cai vẫn đang tồn tại một số vấn đề, đó là việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, đặc biệt là của các ban quản lý rừng phòng hộ. Diện tích đã được giao, cấp giấy chứng nhận có nhiều sai sót, gây tranh chấp giữa người dân với các tổ chức. Năng suất rừng trồng thấp do chưa chú trọng thâm canh. Chế biến chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, mới tập trung chế biến các sản phẩm thô xuất khẩu, chưa tạo được chuỗi liên kết sản phẩm…

Kinh tế lâm nghiệp Lào Cai đang đứng trước cơ hội mới. Toàn cầu đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bảo vệ và phát triển rừng bền vững trở thành xu thế tất yếu, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhu cầu sử dụng gỗ rừng trồng trên thế giới tăng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm lâm nghiệp. Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), đó là cơ hội để sản phẩm lâm sản mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Trong thời gian tới, ngành lâm nghiệp Lào Cai đề ra mục tiêu làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Phát huy lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng gia tăng giá trị gỗ và sản phẩm ngoài gỗ; gia tăng các dịch vụ rừng, cho thuê rừng, cho thuê môi trường rừng gắn với phát triển du lịch. Phát triển kinh tế lâm nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị sản phẩm, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến định hướng xuất khẩu; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng.

Cụ thể, ngành lâm nghiệp sẽ quản lý chặt và giữ ổn định toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có. Nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của rừng trồng. Đối với vùng thấp, phát triển diện tích cây quế ổn định ở mức 52.000 ha; tiếp tục nghiên cứu phát triển cây cho thu hoạch nhựa, quả... như bồ đề, chẩu, dổi, trám... Đối với vùng cao, đưa vào trồng một số loài cây phù hợp sinh thái, đa mục đích, có giá trị kinh tế cao. Hướng tới trên 80% diện tích rừng trồng được thâm canh tăng năng suất; ổn định 58.000 ha lâm sản ngoài gỗ. Chuyển đổi phương thức tổ chức sản xuất, hình thành các tổ, nhóm sản xuất theo từng sản phẩm, tiến tới hình thành các hợp tác xã lâm nghiệp chuyên môn hóa cao theo chuỗi giá trị sản phẩm và sản phẩm OCOP.

Để đạt được kết quả trên, trước hết cần nâng cao nhận thức của người dân và các ngành, các cấp về giá trị đầy đủ của rừng, tạo sự chung tay, đồng lòng trong bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Có chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp riêng, khuyến khích hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các nhà máy và cơ sở chế biến lâm sản theo hướng sản phẩm tinh và có giá trị gia tăng cao; hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/347269-lam-nghiep-lao-cai-huong-toi-phat-trien-ben-vung