Làm ngoại giao ở đảo quốc sư tử

Nhiệm kỳ Đại sứ của tôi tại Singapore diễn ra từ 9/2003 đến 7/2007, đúng thời điểm hai nước tiến hành các hoạt động nâng cấp quan hệ song phương, nhất là về hợp tác đầu tư.

PGS.TS. Dương Văn Quảng.

PGS.TS. Dương Văn Quảng.

Tôi khởi đầu nhiệm kỳ bằng việc thực thi các hoạt động thuộc “Sáng kiến chung về hợp tác đầu tư”, được thông qua trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Goh Chok Tong tháng 3/2003, với mục tiêu “xúc tiến và thúc đẩy đầu tư trực tiếp từ nước thứ ba vào Việt Nam và Singapore, nâng cao sức cạnh tranh và lợi thế của mỗi nước”.

Khi đó, hai nước chia sẻ quyết tâm đẩy nhanh quá trình liên kết ASEAN, đồng thời duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trước những vấn đề nóng của khu vực và quốc tế.

Hiền tài và sử dụng nhân tài

Bốn năm sống và làm việc tại Singapore là trải nghiệm thú vị và độc đáo đối với tôi.

Thứ nhất, tôi có cơ hội so sánh hai lối sống, hai nếp suy nghĩ và đặc biệt hai phương thức điều hành đất nước và chiến lược phát triển của người Singapore và người Âu - Mỹ. Kết luận đáng nhớ nhất mà tôi rút ra là người Singapore biết kết hợp tài tình hai quan niệm về tinh hoa của hai nền văn hóa Á và Âu trong công cuộc đào tạo, sử dụng con người và phương thức xây dựng đất nước mình.

Khái niệm mà tôi cảm thấy ấn tượng nhất chính là “nguồn nhân lực sáng tạo”, đặc biệt khi tôi đến dự một buổi thuyết trình của Thủ tướng Lý Hiển Long tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) về tinh hoa hay hiền tài (elite) của Singapore. Ông khẳng định, Singapore biết phát huy cả cách phát hiện và sử dụng hiền tài của người Hoa trước đây và của người Mỹ ngày nay.

Thứ hai, bài học về thu nạp và sử dụng hiền tài ở Singapore đáng để suy ngẫm. Triết lý bao trùm là nguyên tắc toàn tài (meritocracy). Nền tảng của toàn tài là mọi người, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, giới tính và thành phần xuất thân, đều có cơ hội như nhau để phát huy tài năng, năng lực và sở trường. Nền tảng này vừa là đặc thù, vừa là lựa chọn duy nhất của Singapore.

Thứ ba, “nguyên tắc đòi hỏi cái tối ưu ở mỗi người và từng người làm việc, cống hiến hết khả năng của mình”, được đãi ngộ xứng đáng, tương ứng với đóng góp của bản thân cho đất nước. Hiền tài của Singapore, trước hết, là sản phẩm của chính nền giáo dục và đào tạo nước này. Thêm vào đó, một số sinh viên tốt nghiệp phổ thông loại giỏi được nhận học bổng Tổng thống đi đào tạo ở nước ngoài theo chuyên ngành mà mình ưa thích. Sau khi tốt nghiệp, họ có thể về nước cống hiến hay ở lại nước ngoài làm việc, học tiếp ở cấp cao học, tiến sĩ.

Kết nối kinh tế để đi xa hơn nữa

Một sự kiện độc đáo khác trong quan hệ hai nước mà tôi có can dự chính là quyết định kết nối hai nền kinh tế trong chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 3/2004.

Thú thật rằng, khi Thủ tướng Goh Chok Tong đưa ra ý tưởng này, phía Việt Nam thật sự bất ngờ. Với cương vị là Đại sứ, tôi phải là người đầu tiên bày tỏ chính kiến và tôi đã phát biểu ủng hộ sáng kiến. Chính lòng tin đã thuyết phục Việt Nam chấp nhận và thúc đẩy hai nước xác định những lĩnh vực cần và có thể kết nối.

Sau hơn một năm đàm phán, ngày 5/12/2005, Hiệp định khung kết nối Việt Nam-Singapore được ký kết tại Singapore, bao gồm sáu lĩnh vực kết nối: đầu tư; thương mại và dịch vụ; công nghệ thông tin-truyền thông; tài chính; giao thông và giáo dục-đào tạo. Theo đánh giá của hai bên, Hiệp định khung “mang ý nghĩa lịch sử, củng cố hơn nữa quan hệ giữa hai nước”. Văn kiện tạo điều kiện cho Việt Nam đẩy nhanh quá trình hội nhập và duy trì sự phát triển bền vững với mức tăng trưởng cao. Hiệp định không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam và Singapore, mà còn với cả khu vực.

Trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) vào tháng 5/2006, Thủ tướng hai nước đều khẳng định, VSIP tại Bình Dương là hình mẫu của hợp tác lâu dài, cùng có lợi. Hiệp định Khung kết nối Việt Nam-Singapore đã tạo điều kiện thành lập 14 VSIP và tạo ra nhiều hình mẫu thành công khác trong hợp tác giữa hai nước.

Thước đo duy nhất về hiệu quả công việc

Làm ngoại giao ở Singapore vừa dễ vừa khó. Dễ cho nhiệm vụ đánh giá và dự báo tình hình nước sở tại trong khi đời sống chính trị, kinh tế và xã hội tại quốc đảo Sư tử rất ổn định. Khó vì các nhà ngoại giao phải thay đổi tư duy và cách làm việc của mình.

Đương nhiên, các cơ quan ngoại giao nước ngoài phải liên hệ chặt chẽ với các cơ quan công quyền Singapore. Song, các doanh nhân, tập đoàn kinh tế lớn mới là những đối thoại thực chất của các nhà ngoại giao.

Mức độ quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước là thước đo duy nhất về hiệu quả công việc của Đại sứ quán và Đại sứ. Ở Singapore, không thể tách rời đối nội và đối ngoại, cũng như ngoại giao và quốc phòng an ninh. Công tác ngoại giao “dính líu” đến tất cả các vấn đề đối nội và đối ngoại; nói đến ngoại giao là nói đến an ninh và quốc phòng.

Đánh giá quan hệ Việt Nam-Singapore không thể không gắn liền với tiến trình liên kết ASEAN. Thách thức lớn nhất không chỉ đối với quan hệ Việt Nam-Singapore mà cả quan hệ giữa các nước ASEAN là phải biết kết hợp hài hòa, hợp lý và hào hiệp giữa lợi ích dân tộc, lợi ích của cả Hiệp hội và của các thành viên khác trước những cám dỗ và sức ép từ bên ngoài, nhất là từ các nước lớn.

Kể từ năm 1991 đến nay, quan hệ Việt Nam-Singapore luôn “thuận buồm xuôi gió”. Hai nước không có vướng mắc gì về chính trị, lãnh hải hay đụng chạm lợi ích trong quan hệ với các nước khác. Cả hai đều tập trung tìm ra những sáng kiến mới nhằm thúc đẩy quan hệ về mọi mặt: chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, đào tạo và khoa học, quản lý Nhà nước. Do vậy, kinh nghiệm “ngoại giao phục vụ kinh tế” của Đại sứ quán Việt Nam ở Singapore khác so với ở các nước khác, vừa mang nặng tính thực dụng nhưng lại vĩ mô hơn.

Singapore là một trung tâm (hub) có sức hút về mọi mặt và là nơi các tập đoàn đa quốc gia chọn đặt chi nhánh hay văn phòng đại diện châu Á của họ. Các doanh nghiệp Việt Nam có mặt tại đây, không chỉ tìm cơ hội làm ăn với Singapore, mà còn có khả năng thiết lập quan hệ với các tập đoàn nước ngoài khác.

Do vậy, các doanh nghiệp và địa phương Việt Nam cần vươn ra bên ngoài mạnh mẽ hơn nữa, mở văn phòng đại diện, đặt chi nhánh, thậm chí lên sàn trên thị trường chứng khoán. Đại sứ quán đóng vai trò tư vấn, tìm hiểu và hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương như một bảo đảm về tinh thần và pháp lý.

PGS. TS. Dương Văn Quảng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lam-ngoai-giao-o-dao-quoc-su-tu-234420.html