Làm… nhưng không đủ sống
Chúng ta chắc từng nghe nói, đại ý, phấn đấu đến năm nào đó Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp.
Chúng ta chắc từng nghe nói, đại ý, phấn đấu đến năm nào đó Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp.
Nghe thế thì biết ngay đất nước lấy phát triển công nghiệp làm chủ đạo. Mục tiêu này cũng là mục tiêu phổ biến của các tỉnh, thành trong cả nước. Ví dụ như Thừa Thiên Huế, tỷ trọng ngành công nghiệp cũng chiếm gần 40% trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Hàng loạt khu công nghiệp, cụm công nghiệp ra đời ở các tỉnh, thành để thu hút đầu tư cũng cho thấy điều đó.
Thế nhưng, thật đáng buồn là nguồn nhân lực để thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển lại trong tình trạng: lương không đủ sống!? Dù có muốn hay không thì nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp cũng chia ra hai thành phần - giới chủ và người làm công. Ở đây người làm mà lương không đủ sống là giới làm công. Kết quả của cuộc khảo sát do Ban Chính sách pháp luật và Viện Công nhân công đoàn thực hiện vào tháng 4 vừa qua về lương và thu nhập của người lao động trong ngành công nghiệp (công nhân) cho thấy điều này.
Cũng xin “rào” trước, không biết cuộc khảo sát này có bao quát đủ sự đại diện hay không, kết quả có phản ánh đúng thực chất hay không, nhưng nếu đúng như vậy thì quả là đáng buồn cho đời sống của người công nhân (CN). Cuộc khảo sát được thực hiện trên 3.000 CN tại 157 doanh nghiệp (DN). Ngoài ra còn có sự tham gia của 157 công đoàn cơ sở. Kết quả của cuộc khảo sát phản ánh như sau: có đến 75,5% người lao động (NLĐ) trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ; có 17,3% lao động phải thường xuyên vay nợ; 10,3% cho biết ít khi có điều kiện ăn thịt, cá (1 lần/tuần)…
Từ thu nhập thấp dẫn đến mức sống thấp của giới CN thì có lẽ quan sát bằng trực quan chúng ta cũng cảm nhận được, từ những chợ phục vụ cho CN đến các khu trọ, nơi lưu trú; điều kiện chăm sóc y tế, học hành của con em… Nói chung đã là CN là khổ! Giờ lại trong điều kiện có nhiều biến động trên toàn cầu bất lợi tác động đến các DN, đơn hàng giảm sút thì giới CN lại càng vất vả hơn. Có việc làm đã là may còn không thì bị sa thải, giảm việc, giãn việc. Quả là “Bà Bủ nằm ổ chuối khô. Bà Bủ không ngủ bà lo bời bời…”!
Khoan hãy nói chuyện sung túc đối với giới CN mà hãy nói chuyện làm sao cho họ có mức thu nhập đủ sống. Đủ sống mà không có tích lũy (dù ít) có lẽ cũng không phải là mục tiêu để chúng ta phát triển ngành công nghiệp và giới CN. Từ đó, sẽ có những câu hỏi đặt ra: phải chăng những ngành công nghiệp mà chúng ta đang phát triển tạo ra giá trị gia tăng quá ít; phải chăng trong “rổ” lợi nhuận được phân phối chưa công bằng giữa giới chủ, nhà đầu tư và người làm công ăn lương; phải chăng giới CN của chúng ta trình độ tay nghề và mức độ thạo việc còn thấp nên đành chấp nhận mức lương, mức thu nhập thấp… Bao nhiêu câu hỏi câu đặt ra và cần có câu trả lời thỏa đáng. Chúng ta cố gắng thúc đẩy phát triển công nghiệp. Ngành công nghiệp phát triển (theo nghĩa mở rộng số lượng) sẽ kéo theo việc thu hút đông đảo lực lượng lao động vào làm CN. Hiện tại, thu nhập của họ đã không đủ sống thì chúng ta thấy thấp thoáng trong tương lai sẽ là một gánh nặng cho mạng lưới an sinh xã hội. Cho nên, đồng ý là phát triển công nghiệp nhưng không nên theo đuổi những ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng quá thấp. Nếu nó thấp vì trang thiết bị thì phải nâng cấp trang thiết bị hiện đại; trình độ tay nghề và mức độ thạo việc của CN còn thấp thì phải nâng cấp nó lên ở mức cao hơn.
Ở Thừa Thiên Huế, cũng là những DN hoạt động trong ngành dệt may nhưng có DN thì có nhà ở cho CN, có trường mẫu giáo cho con em CN…, nhưng có DN thì không. Sự khác biệt này cũng có thể là từ điều kiện hoạt động của mỗi DN, nhưng cũng có thể là sự phân chia quyền lợi trong rổ lợi nhuận. Cho nên, tính toán lại sự phân chia lợi nhuận một cách công bằng (dù là tương đối) cũng là điều cần thiết.