Làm nông một cách khác biệt
Từng dồn sức học tập để không phải vất vả 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời' nhưng rồi cái duyên lại đưa chị Trần Thu Trang (sinh năm 1984), trú tại huyện Vĩnh Linh đến với nghề nông. Cùng với đồng sự, chị Trang đã và đang xây dựng mô hình trang trại hữu cơ D-FARM với cách làm mới, khác biệt.
Trở về với đất quê
Chị Trần Thu Trang, quản lý trang trại D-FARM cho biết, chữ D trong D-FARM là viết tắt của từ difference, nghĩa là sự khác biệt. “Với tên gọi này, tôi và đồng sự gửi gắm quyết tâm xây dựng một trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ thực sự khác biệt, có dấu ấn riêng”, chị Trang cho biết.
Chị Trang là một người con của quê hương Vĩnh Giang, Vĩnh Linh. Ba chị là một kỹ sư, còn mẹ làm nghề giáo viên. Từ nhỏ, hai người đã định hướng cho con gái học hành để sau này có một công việc ổn định. Mong muốn ấy được chị Trang thực hiện đúng như kế hoạch. Sau khi rời ghế giảng đường, chị đã có khoảng 15 năm làm cán bộ địa chính xã. “Trước đây, tôi luôn mong muốn có một mảnh vườn nhỏ, trồng cây này, nuôi con kia, làm ra những sản phẩm sạch cho gia đình. Trong thời gian làm cán bộ địa chính xã, tôi tiếp xúc nhiều với bà con nông dân. Gắn bó với đồng đất nhưng một số người không có hoặc mất dần niềm tin vào công việc đang làm. Trái tim chợt thúc giục tôi làm một điều gì đó để góp phần khơi dậy niềm tin, tình yêu vào nghề nông trong họ”, chị Trang chia sẻ.
May mắn là ý tưởng của chị Trang lại bắt đúng “tần số” với chồng mình là anh Lê Văn Châu và những người bạn. Họ bàn nhau xây dựng một trang trại để cung cấp những sản phẩm hữu cơ, trước để phục vụ nhu cầu của các gia đình trong nhóm, sau là cung ứng ra thị trường. Từ số vốn góp lại, các anh chị mua một mảnh đất ở thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, để khởi sự. Trong thời gian thử nghiệm, chị Trang cảm nhận nghề nông có sức hút kỳ lạ đối với mình. Chị hạnh phúc khi thấy đất đai được cày xới; từng ngôi nhà màng mọc lên; cây cối đơm hoa, kết trái... Một lần nữa, chị Trang có quyết định táo bạo khi rời công việc ổn định để về làm nông.
Nói về lựa chọn của mình, chị chia sẻ, bản thân phải “đấu tranh tư tưởng” rất nhiều. Hầu như ai cũng khuyên chị suy nghĩ lại. Bởi, phần lớn mọi người đều biết rất khó thành công với nghề nông, nhất là ở một tỉnh bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, lũ lụt như Quảng Trị. Hơn nữa, không phải ai cũng làm được công việc nhọc nhằn này.
Kết nối người tài
Những ý kiến đóng góp của mọi người không sai. Khi thực sự dấn thân với nghề nông, chị Trang và những người bạn trong nhóm mới cảm nhận hết sự vất vả. Họ phải tập làm quen với những công việc mà mình chưa từng thử sức. Biết không thể mày mò tìm đường, chị Trang và những người bạn phải cậy nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Cùng với đó, mọi người cùng nhau vừa học, vừa làm để rút kinh nghiệm. Nhiều hôm trở về nhà, chân tay ai nấy đều bải hoải. Thế nhưng, cái mệt nhất đối với họ vẫn nằm ở những tính toán trong đầu.
Xác định mô hình khó có thể thành công nếu cứ mải miết đốt đuốc dò đường, chị Trang và những người bạn của mình tập trung tìm đồng sự có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng. Sự tâm huyết với việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ của các anh chị đã thu hút nhiều người tài tìm đến. Các kỹ sư có tiếng lần lượt về đầu quân cho D-FARM. Phần lớn họ đều là những người trẻ, giỏi về chuyên môn, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước. Ai cũng muốn đưa những gì mình thu nhặt được vun xới cho đất quê Quảng Trị.
Sau những bước đi thuận lợi đầu tiên, niềm tin làm đổi thay đất nghèo của những người chung sức xây dựng nên D-FARM càng được nhân lên. Tuy nhiên, thành công của mùa dưa lưới đầu tiên vẫn chưa thực sự như họ mong đợi. Trong những ngày buồn vui lẫn lộn, các anh chị nhận ra thứ mà mình thu về vẫn rất lớn. Nhờ trải nghiệm đầu tiên này, họ đã xây dựng được quy trình sản xuất chuẩn. Đó cũng chính là sự mở đường cho thắng lợi của vụ dưa lưới tiếp theo.
Niềm vui nối tiếp niềm vui. Khi ra với thị trường, sản phẩm dưa lưới của D-FARM nhanh chóng chinh phục khách hàng trong và ngoài tỉnh. Tiếng lành đồn xa, các doanh nghiệp, nhà phân phối, chủ cửa hàng đã tìm đến với D-FARM ngày càng nhiều. Đó là động lực để chị Trang và cộng sự thêm mạnh dạn tăng số vụ, đa dạng hóa cây trồng và tiếp cận những thị trường mới... Hiện tại, trang trại đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Vào mùa vụ, số lượng nhân công tăng gấp 2, 3 lần.
Kiên trì với mục tiêu
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ không dễ. Buổi đầu trồng dưa lưới, những người chung sức tạo dựng nên D-FARM đi từ nỗi lo ngày sang nỗi lo khác. Quảng Trị là vùng đất nắng nóng, mưa dầm. Khí hậu này không thực sự thuận lợi cho cây dưa lưới phát triển. Có thời điểm, trong một số nhà màng, tỉ lệ dưa lưới mắc bệnh chiếm đến 50%. Nhìn vườn dưa bị rụi dần, ai cũng xót xa. Bấy giờ, một số người khuyên các anh chị nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để cứu vườn, rồi tính tiếp. Thế nhưng, tất cả thành viên D-FARM đều lắc đầu, quyết tâm tìm ra giải pháp.
Ở D-FARM, chị Nguyễn Lâm Thị Nhật Anh (sinh năm 1996), trưởng bộ phận sản xuất từng tốt nghiệp chuyên ngành nông nghiệp, có thời gian 1 năm là thực tập sinh ở nước ngoài và trải qua khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật trồng dưa lưới. Thế nhưng những thử thách đặt ra trong ngày đầu tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ vẫn khiến cô gái gốc Quảng Nam lo lắng. Có những ngày, ngoài giờ ngủ và ăn, chị dành hết thời gian của mình cho những cây dưa lưới. Chị Nhật Anh kể: “Sau khi giải quyết vấn đề sâu bệnh, chuột bọ lại kéo đến. Những rào cản cứ thế liên tục đặt ra như thử thách lòng người. Vì thế, chúng tôi phải “chăm cây như chăm trẻ” và kiên trì với con đường đã chọn”.
Là người quản lý chất lượng nhưng anh Đoàn Thế Phong (sinh năm 1999) vẫn thu xếp thời gian để hỗ trợ các kỹ sư chăm sóc dưa lưới. Anh Phong gốc Quảng Trị nhưng sinh ra, lớn lên ở Hà Nội. Với anh, việc tham gia vào đội ngũ D-FARM có thể ví như sự trở về góp sức xây dựng quê hương. Nói về công việc chuyên sâu của mình, anh Phong cho biết: “Chúng tôi dành khá nhiều thời gian cho việc kiểm tra chất lượng quả sau thu hoạch. Một hệ thống các tiêu chí khắt khe, theo chuẩn chung được D-FARM xây dựng để đảm bảo mang sản phẩm tốt nhất đến tay khách hàng. Nếu không kiên trì với việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ, có lẽ chúng tôi khó đạt được chuẩn này và chinh phục được những khách hàng thông thái”, anh Phong cho biết.
Cũng như chị Thu Trang và những người tạo dựng nên D-FARM, điều khiến Nhật Anh, Thế Phong vui nhất là thấy mô hình trang trại hữu cơ mà mình chung sức tạo ra ngày càng phát triển. Họ đã cùng nhau tạo ra sự biệt, kiên trì theo đuổi mục tiêu để giúp D-FARM trở nên đặc biệt. Từ tháng 3/2022, D-FARM ra mắt dịch vụ tham quan, trải nghiệm thu hoạch nông sản và thưởng thức ẩm thực ở trang trại thu hút đông đảo du khách. Tín hiệu vui ấy một lần nữa giúp những người biết đến D-FARM, đặc biệt là bà con nông dân tin tưởng hơn vào tương lai của nghề trước nay được ví là “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/lam-nong-mot-cach-khac-biet/183291.htm