Làm nóng thị trường lao động
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến tháng 6-2020 cả nước có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và có thể tăng vào những tháng cuối năm. Bởi thế, lúc này cần nhiều biện pháp nhanh chóng để hỗ trợ, tìm kiếm, tạo việc làm cho người lao động.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến tháng 6-2020 cả nước có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và có thể tăng vào những tháng cuối năm. Bởi thế, lúc này cần nhiều biện pháp nhanh chóng để hỗ trợ, tìm kiếm, tạo việc làm cho người lao động.
Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất 10 năm
Tác động từ đại dịch khiến tỷ lệ thất nghiệp trong quý II là 2,73%, trong đó tại khu vực thành thị là 4,46% - mức cao nhất trong 10 năm. Điều này khiến thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng (giảm 525.000 đồng so quý trước và 279.000 đồng so cùng kỳ năm 2019). Trong khi, thu nhập bình quân của lao động quý II - 2019 so cùng kỳ năm 2018 tăng tới 16,6%. Đây cũng là lần đầu thu nhập bình quân giảm trong 5 năm qua.
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, từ nay đến cuối năm, số lao động mất việc có khả năng còn tăng nếu các giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh không được thực hiện quyết liệt. Thậm chí có thể tăng năm triệu người mất việc. Bà Vũ Thị Thu Thủy kiến nghị: “Trước diễn biến tiêu cực của thị trường lao động, cần đẩy mạnh thực hiện các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Nên nghiên cứu các gói hỗ trợ đặc thù cho lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ và người không có chuyên môn. Ngoài ra cần đẩy nhanh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), có chính sách khuyến khích người lao động nâng cao trình độ”.
Về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Thống kê Phạm Quang Vinh cho rằng bây giờ mới đề xuất thêm các gói hỗ trợ đặc thù có thể chậm, nhưng vẫn là việc nên làm. Không thể nghĩ sau năm 2020 là hết ảnh hưởng. Các chính sách phải xét trong tầm nhìn dài hạn, không gói lại trong năm 2020 mà phải tính đến các năm tiếp theo. Ông Vinh cũng nhấn mạnh: Các dự báo về tác động của Covid-19 đang thấp hơn nhiều thực tế và theo xu hướng tiêu cực hơn, bằng chứng là các kịch bản tăng trưởng liên tục phải điều chỉnh.
Trích Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho đào tạo lại
Thời gian giãn cách xã hội cũng là thời điểm nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ, thậm chí DN tạm dừng hoạt động. Không ít người lao động (NLĐ) sau ngày 22-4-2020 này đã đi tìm việc mới. Những con số do cơ quan chức năng thống kê cũng như tình hình lao động, việc làm, cho thấy sự bức thiết phải làm sôi động hơn thị trường lao động, giúp thêm nhiều người có việc làm. Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Trưởng ban Chính sách (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cảnh báo, mấy tháng qua chưa phải là đỉnh điểm của mất việc. Các DN vẫn đang duy trì các đơn hàng từ trước đã ký được nên vẫn có việc làm cho lao động. Song ở các thị trường tiếp nhận hàng xuất khẩu chủ yếu của chúng ta hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Do đó, đơn hàng của DN sẽ hết dần trong những tháng tới đây và NLĐ sẽ gặp khó. Một khía cạnh khác, Việt Nam vẫn chưa nhận du khách nước ngoài, ngành du lịch tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều DN du lịch đang rà soát nhân sự để cho nghỉ việc, nhiều ngành khác liên quan cũng phải cắt giảm nhân sự.
Nhiều địa phương đã lên phương án cung ứng lao động cho các DN. Tại Đà Nẵng, trong Ngày hội việc làm quận Thanh Khê do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp UBND quận Thanh Khê tổ chức, đã có 109 DN trên địa bàn TP Đà Nẵng tham gia tuyển dụng lao động với tổng vị trí tuyển dụng hơn 6.300 người.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Thanh niên cũng đã phối hợp với các quận đoàn, huyện đoàn, khu công nghiệp để giới thiệu việc làm cho thanh niên sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trung tâm đã nhờ các quận đoàn, huyện đoàn lên danh sách những thanh niên, người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm rồi kết nối với từng DN đang cần để giới thiệu theo đúng lĩnh vực, vị trí mà họ đang cần.
Tại Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã kết nối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với Hiệp hội DN nhỏ và vừa, trung tâm DVVL để xác định nhu cầu đào tạo và triển khai đào tạo. Tính đến cuối tháng 6, địa bàn Hà Nội có hơn 4.000 DN có nhu cầu tuyển dụng lao động. Một trong những đơn vị có nhiều người đến nhờ giới thiệu việc làm là Trung tâm DVVL Hà Nội, Sàn Giao dịch chính có địa chỉ tại 215 phố Trung Kính và 14 sàn, điểm giao dịch việc làm vệ tinh. Các phiên giao dịch diễn ra liên tục, từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, đã nhận đăng ký tuyển lao động của hơn 5.077 DN với hơn 3.400 chỉ tiêu. Chị Đỗ Thu Hằng, đến từ Bắc Ninh cho biết, trước đây chị làm cho một tổ hợp nhà hàng, sau khi tạm nghỉ vì dịch bệnh, qua Sàn Giao dịch chính có địa chỉ tại 215 phố Trung Kính, chị đã tìm được việc làm phù hợp với trình độ của mình, với mức lương bảy triệu đồng/tháng, cao hơn trước hai triệu đồng.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội Vũ Quang Thành, các DN tuyển đa dạng vị trí ngành nghề liên quan tới những lĩnh vực trước đó bị ảnh hưởng, như thương mại, dịch vụ, bán sỉ, bán lẻ, khách sạn, nhà hàng lưu trú... Các DN sản xuất có nhu cầu tuyển dụng công nhân bao bì, kim loại mầu, đứng dây chuyền. Cùng với các phiên lưu động, chuyên đề, từ đầu tháng 7, Trung tâm DVVL Hà Nội tiếp tục tổ chức những phiên giao dịch online tại sàn chính tại 215 phố Trung Kính, Trần Phú và 13 điểm sàn vệ tinh, kết nối với các trung tâm DVVL trên toàn quốc để kết nối cung cầu DN và NLĐ. Dự kiến về thị trường việc làm thời gian tới, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết, trung tâm tiếp tục khai thác các vị trí việc làm trống để cung cấp thông tin cho NLĐ, giúp hai bên gặp nhau.
Tuy vậy việc kết nối giữa người sử dụng lao động và NLĐ chưa bao giờ là điều dễ dàng, do nhiều lao động chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, một số DN lại thiếu chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút NLĐ làm việc lâu dài. Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đã đề xuất với Chính phủ dành khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại cho khoảng một triệu lao động. Việc tổ chức đào tạo và đào tạo lại sẽ do DN và trường nghề liên kết triển khai, hoặc do DN trực tiếp đào tạo.
Trong gần 30,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi Covid-19, có 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động. Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong sáu tháng đầu năm, ước tính đã giải quyết việc làm cho 540.000 lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra. Trong đó riêng tháng 6, có 120.000 lao động được giải quyết việc làm.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/doi-song-xa-hoi/lam-nong-thi-truong-lao-dong-609042/