Lạm phát Argentina giảm về 1 con số lần đầu tiên sau 6 tháng
Ngày 15-5, Cơ quan thống kê chính phủ Argentina thông báo, tỷ lệ lạm phát trong tháng 4 của nước này đã giảm về mức 8,8% so với mức 11% của tháng 3 và thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 25% vào tháng 12 năm ngoái.
Đây là lần đầu tiên sau 6 tháng, chỉ số lạm phát giảm xuống dưới mức 10%, chứng minh tác dụng của chính sách “thắt lưng, buộc bụng” nghiêm ngặt do Tổng thống Javier Milei triển khai nhằm cứu vãn nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng.
Khi ông Javier Milei lên nắm quyền, lạm phát Argentina thuộc hàng cao nhất thế giới. Bình luận về tỷ lệ lạm phát mới được cập nhật, người phát ngôn của Tổng thống, ông Manuel Adorni cho biết “Lạm phát đang bị nghiền nát. Giấy chứng tử của nó đang được ký”.
Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), lần đầu tiên sau 16 năm, quý I năm nay, Argentina đạt thặng dư tài chính trong 3 tháng liên tiếp, lạm phát giảm nhanh, dự trữ ngoại hối tăng và mức rủi ro của nền kinh tế giảm.
Trái phiếu Argentina đạt mức tăng tốt nhất trong số các thị trường mới nổi. IMF cho biết, cơ quan này sẽ phát hành thêm một khoản vay 800 triệu USD cho Argentinna và coi đây như một hành động thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Javier Milei.
Mặc dù cách làm của Tổng thống Javier Milei được IMF khen ngợi và những người theo dõi thị trường cổ vũ, nhưng chiến dịch cắt giảm chi phí công, sa thải nhiều nhân viên trong bộ máy nhà nước và bãi bỏ nhiều quy định trong ngắn hạn, đã gây áp lực lên nhiều gia đình trong bối cảnh chi phí của hầu hết mặt hàng đang ở mức cao.
Theo báo cáo Cơ quan thống kê chính phủ Argentina, lạm phát hằng năm vẫn ở mức 3 con số, tăng nhẹ lên 289,4%.
Một số chuyên gia cảnh báo, tỷ lệ lạm phát giảm chưa đủ để chứng minh sự cải thiện về “sức khỏe” nền kinh tế. Thậm chí, đây có thể là dấu hiệu của một cuộc suy thoái. IMF cũng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Argentina sẽ giảm 2,8% trong năm nay. Doanh số bán lẻ trong quý đầu tiên năm 2024 đã giảm gần 20% so với năm trước. Monica de Bolle, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, người nghiên cứu các thị trường mới nổi, cho biết: “Chi tiêu cá nhân đã sụt giảm nghiêm trọng, điều này giải thích tại sao mức tiêu dùng giảm đáng kể và tại sao lạm phát cũng giảm”.