Lạm phát đã chạm đến ly cà phê, ổ bánh mì?
Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao cùng với xăng vẫn neo ở mức ngất ngưởng khiến một số thương hiệu F&B không còn có thể giữ giá.
Mới đây, Highlands Coffee - chuỗi thương hiệu cà phê với khoảng 500 cửa hàng trên cả nước - thông báo tăng giá bán sản phẩm. Theo khảo sát, mức giá tăng sản phẩm của thương hiệu này dao động 4.000-10.000 đồng/sản phẩm, tùy loại và kích thước.
Chuỗi thương hiệu cà phê này lý giải để có thể giữ vững và nâng cao hơn chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng trước tình hình biến động thị trường hiện nay, Highlands Coffee buộc phải điều chỉnh giá bán.
Việc chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam tăng giá cho thấy lạm phát đã lan đến những thứ thường nhật của người tiêu dùng như ly cà phê, suất ăn sáng.
Lạm phát hiện hữu trong đồ ăn, thức uống
Minh Tuấn (26 tuổi, quận Tân Bình) chia sẻ: “Trước đây, tôi nghĩ lạm phát là thứ vĩ mô, chỉ tác động đến các đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên hiện tại, nó đã hiện hữu trong từng thứ tôi ăn, uống hàng ngày. Suất bún chả ít thịt hơn nên ăn không đủ no, một ly cà phê cũng tăng từ 2.000 đến 10.000 đồng. Số tiền tăng nghe có vẻ không quá lớn nhưng nếu tất cả mọi thứ từ đồ ăn, thức uống, đi lại, dịch vụ giải trí… đều tăng thì túi tiền của tôi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng".
Xuân An (22 tuổi, quận Cầu Giấy) cho biết: “Gần đây, tôi phải bỏ hẳn thói quen uống cà phê ngoài tiệm, tự pha cà phê tại nhà để tiết kiệm. Giá thương hiệu tôi hay uống chưa tăng nhưng giá xăng, chi phí đi lại, giá cả các mặt hàng tiêu dùng… đã tăng, nên tôi cần cân nhắc lại chi tiêu để tránh cháy túi vào cuối tháng".
Quán bánh cuốn Bà Hy (đường Nghiêm Xuân Yêm, Hà Nội) cũng đã treo biển tăng giá 5.000 đồng/suất từ ngày 6/7. Lý do được quán đưa ra là “do giá cả các mặt hàng thị trường đều lên".
Trước đó, chuỗi Pizza 4P's với 24 chi nhánh trên toàn quốc thông báo điều chỉnh giá bán vì chi phí nguyên vật liệu tăng cao. "Chúng tôi đã phải đi đến quyết định này nhằm đảm bảo mang đến món ăn và dịch vụ tốt nhất", chuỗi nhà hàng pizza này lý giải.
Ngành F&B chỉ mới bắt đầu hồi phục sau hai năm chật vật vì Covid-19, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Ngành này chỉ mới tăng trưởng dương vào quý vừa qua, với mức 25,92%. Trong khi đó, con số này là -54,1 % vào quý III/2021 và -15,3% vào quý IV/2021.
Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ 2021; lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Riêng giá xăng dầu trong nước bình quân 6 tháng đã tăng 51,83% so với cùng kỳ 2021. Xăng tăng dễ dàng khiến nhiều nguyên liệu của ngành đồ uống lên giá vì giá vận chuyển cũng tăng theo.
Minh Luân, trainer hệ thống Mellower Coffee cho biết hiện giá cà phê hạt xanh đã tăng giá khoảng 5-10%.
Chia sẻ với Zing, đại diện Chuk Tea & Coffee (thuộc Kido's Group) cho biết: “Thị trường có khá nhiều biến động, diễn biến khó lường vì dịch bệnh và tranh chấp quốc tế ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Tình hình thị trường vẫn sẽ diễn biến theo chiều hướng giảm cho đến cuối năm”.
Nhiều thương hiệu cố cầm cự
Chia sẻ với Zing, đại diện thương hiệu Bánh Mì Ơi cho biết: “Chúng tôi đảm bảo giá sản phẩm sẽ không tăng ít nhất là đến hết năm 2022. Chiến lược giữ giá là do BMO độc lập sản xuất từ vỏ bánh mì cho tới toàn bộ nhân bánh, không qua bên thứ 3 nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm là đồng nhất đến tay người tiêu dùng và tự chủ về chi phí nguyên vật liệu”.
Đại diện Chuk Tea & Coffee chia sẻ hiện tại, thị trường nguyên vật liệu ngành F&B đều có sự tăng giá. Tuy nhiên, thương hiệu này đã làm việc và ký kết dài hạn với nhà cung cấp và phía cho thuê mặt bằng để đảm bảo sự ổn định vận hành và quyền lợi người tiêu dùng.
“Mặc dù tình hình lạm phát và bão giá ảnh hưởng đến các chuỗi F&B là rất lớn, là một thành viên trong hệ sinh thái Kido’s Group, Chuk vẫn có mức tăng trưởng khá tốt và số lượng cửa hàng mới vẫn tiếp tục tăng nhanh ở TP. HCM. Trong tháng 7, chúng tôi sẽ khai trương ở Biên Hòa và Hà Nội”, đại diện Chuk Tea & Coffee cho biết.
Thương hiệu này cũng sẽ có đa dạng các loại hình. Đó là cửa hàng flagship lớn để trải nghiệm đầy đủ dịch vụ và kios với tiêu chí tiện lợi, năng động giúp tiết kiệm chi phí vận hành.
Các chuỗi cửa hàng cà phê như Starbucks, The Coffee House, Trung Nguyên Legend... hiện tại vẫn giữ nguyên mức giá bán như trước.
Đại diện Trung Nguyên Legend cho biết các sản phẩm của gần 100 không gian Trung Nguyên Legend và hệ thống cửa hàng của gần 1.000 đối tác hợp tác cùng Trung Nguyên E-Coffee vẫn giữ nguyên menu giá.
Tương tự, đại diện Starbucks cũng cho biết đơn vị chưa có thông tin mới về việc tăng giá, do đó các sản phẩm tại các cửa hàng vẫn đang giữ nguyên mức giá bán từ trước đến nay.
Các ứng dụng đặt món ăn như Beamin, Shopee Food vẫn chưa ghi nhận sự tăng giá đáng kể. Nhu cầu của khách hàng vẫn tăng cao, nhất là các món đồ uống giải nhiệt.
“Hiện nay, Beamin chưa ghi nhận sự biến động đáng kể nào về cập nhật giá từ các đối tác nhà hàng. Chúng tôi vẫn đang theo dõi và cập nhật các thay đổi của thị trường để có những điều chỉnh thích hợp hỗ trợ các đối tác nhà hàng”.
Đại diện một chuỗi cửa hàng cà phê tại TP.HCM chia sẻ: “Hiện tại, nhiều thương hiệu vẫn đang gồng các chi phí như nguyên liệu đầu vào, phí vận chuyển, phí mặt bằng. Bài toán chi phí khiến chúng tôi rất đau đầu nhưng tăng giá là điều không ai muốn vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng. Khi lạm phát tăng, khách hàng sẽ cắt giảm những chi phí không cần thiết như tiền ăn uống bên ngoài, tiền cà phê mà thay vào đó là ăn uống ở nhà cho tiết kiệm. Lúc này, doanh nghiệp lại tiếp tục khó khăn chồng khó khăn".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-phat-da-cham-den-ly-ca-phe-o-banh-mi-post1335079.html