Lạm phát đã được kiểm soát hiệu quả trong nửa đầu năm 2022
Lạm phát đã được kìm giữ hiệu quả trong 6 tháng đầu năm nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống. Dự báo lạm phát cả năm 2022 không đáng lo ngại.
Cả hệ thống vào cuộc kìm giữ lạm phát hiệu quả
Đánh giá về bối cảnh giá cả thị trường trên thế giới tăng cao tác động đến chỉ số giá tiêu dùng trong nước trong 6 tháng đầu năm 2022, PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính, nhấn mạnh: Trong 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát ở nhiều nước phương Tây lên mức cao nhất trong khoảng 30-40 năm trở lại đây. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 5/2022 tăng 8,6%, của Anh tăng 9,1%; của khối Eurozone tháng 6.2022 tăng 8,6%...
Tuy nhiên, tại Việt Nam nhờ sự điều hành, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Đảng, Chính phủ, nhiều ngành sản xuất trong nước đã đạt mức tăng cao hơn so với trước khi dịch COVID-19 bùng phát, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ tiêu dùng; lạm phát được kìm giữ ở mức phù hợp.
Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng năm 2022 tăng không đáng lo ngại.
Còn theo đánh giá của PGS.,TS. Nguyễn Bá Minh – Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua phát triển khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung - cầu nông sản (thịt lợn, lúa gạo, rau quả…) ở Việt Nam những tháng cuối năm 2022 sẽ không căng thẳng, giúp cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến…
PGS.TS Ngô Trí Long cũng đánh giá khá lạc quan về khả năng kìm giữ lạm phát trong nửa đầu năm 2022 khi mặt bằng giá ở trong nước vẫn trong tầm kiểm soát.
"Các chính sách được ban hành kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như: Giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1.2.2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1.1.2022 đến hết ngày 31.12.2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1.4.2022" - PGS.TS Ngô Trí Long dẫn giải.
Không để xảy ra lạm phát "do tâm lý”
Nêu rõ thách thức trong việc kìm giữ lạm phát trong nửa cuối năm 2022, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp – Viện Kinh tế Tài chính), cũng tỏ ra lạc quan:
“Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2022 nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7% - 7,5% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,5% - 3,8%”.
Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỉ lệ lạm phát cần thực hiện tốt một số biện pháp.
Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 với các biến thể mới có thể bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh khác sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng.
Đây sẽ là yếu tố tiên quyết cho khả năng tăng trưởng và ổn định kinh tế năm 2022. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”.
Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỉ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân.
"Cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỉ giá để giảm sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm. Cung tiền trong thời gian qua đang tăng, tín dụng 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,51%. Khả năng tăng tốc độ luân chuyển của đồng tiền khi dịch bệnh được kiểm soát cũng là một thực tế cần được tính toán khi xem xét khả năng tăng cao của lạm phát" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.