Lạm phát khiến người dùng Mỹ 'vỡ mộng' với các dịch vụ công nghệ

Lạm phát đẩy giá dịch vụ video streaming đắt đỏ không kém truyền hình cáp, Uber đắt ngang taxi truyền thống và dịch vụ đám mây không còn rẻ bèo, khiến người dùng tại Mỹ thất vọng.

Kỷ nguyên streaming giá rẻ kết thúc

Các nhà sản xuất lớn nhất tại Hollywood có kế hoạch tăng giá gói cước để cạnh tranh với những chương trình truyền hình cáp đắt tiền mà người dùng đã từ bỏ gần 15 năm trước để chuyển sang các dịch vụ phát trực tuyến (streaming).

Giá dịch vụ streaming đang tăng tại Mỹ.

Giá dịch vụ streaming đang tăng tại Mỹ.

Người dân Mỹ vốn hưởng lợi ích không nhỏ từ kỷ nguyên xa hoa của Hollywood, khi các công ty truyền thông tung ra nhiều chương trình hơn bao giờ hết với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với truyền hình truyền thống. Song, điều này sẽ sớm kết thúc trong thời gian tới.

Netflix, Disney, Paramount hay Warner Bros Discovery đã chịu áp lực phải tăng giá dịch vụ từ phía các nhà đầu tư phố Wall. Sau điều chỉnh, các dịch vụ streaming hàng đầu tại Mỹ có giá trung bình 87 USD/tháng so với 73 USD của năm 2022, trong khi giá cước truyền hình cáp trung bình tại đây là 83 USD/tháng.

Cụ thể, Disney lần thứ hai tăng giá dịch vụ trong vòng một năm, với chi phí hằng tháng dành cho gói không quảng cáo là 13,99 USD (tăng 3 USD) kể từ tháng 10/2023. Netflix đã bỏ gói cước không quảng cáo cơ bản giá 9,99 USD để thay bằng gói 15,49 USD.

“Từ góc độ kinh doanh, đây sẽ là con đường lĩnh vực streaming phải trải qua, mức giá bắt buộc phải tăng lên”, David Rogers, giáo sư trường Kinh doanh Columbia, cũng là tác giả sách Lộ trình Chuyển đổi số, nhận định.

Dịch vụ gọi xe đắt ngang ngửa taxi truyền thống

Tại Mỹ, giá các dịch vụ gọi xe như Uber và Lyft cũng đang tiệm cận với giá xe taxi truyền thống.

Giá dịch vụ gọi xe tại Mỹ không còn rẻ hơn đáng kể so với taxi truyền thống.

Giá dịch vụ gọi xe tại Mỹ không còn rẻ hơn đáng kể so với taxi truyền thống.

Steven Levy, Tổng Biên tập tờ Wired (Tạp chí công nghệ hàng tháng tại Mỹ) đã phải trả 51,69 USD (hơn 1,2 triệu VNĐ) cho “cuốc xe”, dài khoảng 4,7 km từ trung tâm thành phố New York đến khu vực West Side để gặp CEO Uber, Dara Khosrowshahi. Đáng chú ý, khi được hỏi, người đứng đầu hãng gọi xe ước tính chi phí cho chuyến đi chỉ rơi vào khoảng 20 USD (khoảng 470.000 VNĐ).

Sự thay đổi tương tự cũng diễn ra đối với Lyft, khi chi phí sử dụng dịch vụ cho cùng một quãng đường, cũng xấp xỉ số tiền người dùng phải bỏ ra khi đi taxi. Chưa kể, khách hàng cũng đã có thể đặt taxi qua ứng dụng, tương tự như Uber và Lyft. Vậy lợi ích của những dịch vụ này là gì?

“Lời hứa” trên mây

Dịch vụ đám mây hứa hẹn mang lại sức mạnh điện toán rẻ hơn và an toàn hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh lợi ích về tính linh hoạt khi các công ty có thể tận dụng sức mạnh máy tính “đi thuê” phụ thuộc vào nhu cầu thực tế, yếu tố giá cả và bảo mật đang đặt ra nhiều câu hỏi.

Một số công ty, chẳng hạn như Dropbox, thậm chí còn chuyển phần lớn khối lượng công việc IT khỏi các đám mây công cộng, giúp tiết kiệm hàng triệu USD.

Một số công ty, chẳng hạn như Dropbox, thậm chí còn chuyển phần lớn khối lượng công việc IT khỏi các đám mây công cộng, giúp tiết kiệm hàng triệu USD.

Salesforce, nhà cung cấp phần mềm tiếp thị trên nền tảng đám mây vừa thông báo sẽ tăng giá kể từ tháng này. Tạp chí CIO cũng cho hay, chi phí của bộ hiệu suất đám mây Microsoft 365 cũng đang tăng, tương tự như dịch vụ của Slack và Adobe. Trong khi đó, AWS bắt đầu tính phí khách hàng với các địa chỉ Ipv4, giao thức Internet quan trọng và phổ biến.

Snap là một ví dụ điển hình cho chi phí đám mây tăng cao. Công ty khởi nghiệp này đã quyết định không phát triển hạ tầng riêng, mà đi thuê dịch vụ điện toán của bên thứ ba.

Trong năm năm kể từ khi ra mắt, Snap đã chi tới 3 tỷ USD cho các dịch vụ đám mây của Google và AWS. Đây là khoản chi phí hoạt động lớn thứ hai của công ty, sau kinh phí dành cho nhân sự.

“Mặc dù điện toán đám mây có thể được các công ty giữ lời hứa trong giai đoạn đầu, song áp lực nó tạo ra sẽ ngày càng lớn lấn át lợi nhuận khi doanh nghiệp mở rộng quy mô và tăng trưởng chậm lại”, hãng đầu tư mạo hiểm Andressen Horowitz viết trên blog. “Mọi người ngày càng chú ý tới tác động chi phí dài hạn của đám mây”.

(Theo Insider, FT)

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lam-phat-khien-nguoi-dung-my-vo-mong-voi-cac-dich-vu-cong-nghe-2180876.html