Lạm phát làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Canada

Tác động ngày càng rõ rệt của lạm phát đã buộc nhiều người dân Canada phải cắt giảm những chi tiêu không thiết yếu để có thể trả được những khoản vay thế chấp đang bị đội lên do lãi suất tăng.

Người dân mua hàng trong siêu thị tại Vancouver, British Columbia, Canada. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân mua hàng trong siêu thị tại Vancouver, British Columbia, Canada. Ảnh: THX/ TTXVN

Tác động ngày càng rõ rệt của lạm phát đã buộc nhiều người dân Canada phải cắt giảm những chi tiêu không thiết yếu để có thể trả được những khoản vay thế chấp đang bị đội lên do lãi suất tăng và mua được những nhu yếu phẩm thiếu yếu liên tục bị đẩy giá.

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, bức tranh bán lẻ hiện nay ở nước này đang cho thấy xu thế đảo ngược hoàn toàn so với những gì đã diễn ra trong đại dịch COVID-19 khi các chuỗi cung ứng phải chật vật để đáp ứng một phần nhu cầu đối với những mặt hàng không thiết yếu nhưng có giá trị lớn như thiết bị gia dụng, đồ nội thất, xe đạp hay thiết bị ngoài trời để giúp mọi người giải trí trong thời gian hạn chế đi lại.

Số liệu từ báo cáo của tập đoàn bán lẻ Canadian Tire công bố ngày 12/5 cho thấy nhu cầu đối với hàng hóa không thiết yếu đã giảm hẳn và người tiêu dùng bắt đầu có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm thiết yếu có giá rẻ hơn.

Tổng chi tiêu của người tiêu dùng đã chậm lại lần đầu tiên kể từ năm 2020 và giảm ở tất cả các nhóm thu nhập ở tất cả các cửa hàng.

Giám đốc điều hành Canadian Tire, ông Greg Hicks, nhận định tỷ lệ lạm phát cao đã khiến khách hàng phải ưu tiên cho các sản phẩm thiết yếu thay vì những mặt hàng không thật sự cần thiết và có giá cao. Người mua sắm quan tâm đến chi tiêu hơn khi phải gia hạn các khoản vay thế chấp đang bị tăng lãi suất.

Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở một số công ty khác như Whirpool (chuyên sản xuất và bán thiết bị gia dụng đa quốc gia) và UPS (công ty vận chuyển bưu kiện quốc tế của Mỹ).

Cụ thể, báo cáo doanh thu của Whirpool giảm do tâm lý người tiêu dùng thay đổi, dẫn đến ít mua thiết bị đắt tiền. UPS cũng nhận thấy khách hàng giảm nhu cầu mua hàng không thiết yếu, khiến doanh thu bán lẻ ở Bắc Mỹ sụt giảm.

Theo Giám đốc điều hành của UPS Carol Tome, các mặt hàng thực phẩm đang chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách của các hộ gia đình và người tiêu dùng ở Bắc Mỹ đang hướng thu nhập của họ tránh xa nhiều loại hàng hóa và dịch vụ.

Theo Chủ tịch TJ Flood của Canadia Tire, mức độ tồn kho các sản phẩm mùa Xuân và mùa Hè đã tăng mạnh trong toàn ngành bán lẻ.

Mặc dù doanh số các mặt hàng thiết yếu vẫn tăng mạnh trong quý I vừa qua nhưng tổng doanh thu của Canadia Tire bị ảnh hưởng do thay đổi nói trên của người tiêu dùng. Trong quý I, doanh thu của Canadian Tire giảm 3,4% xuống còn 3,7 tỷ CAD.

Doanh số bán hàng chênh lệch, một thước đo quan trọng theo dõi mức tăng trưởng doanh số bán hàng, cũng giảm 4,8% tại các cửa hàng bán đồ tiêu dùng không thiết yếu của Canadian Tire. Trong khi đó, doanh số bán hàng chênh lệch tại chuỗi cửa hàng Mark của tập đoàn này lại tăng 4,8%./.

Hà Linh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lam-phat-lam-thay-doi-thoi-quen-tieu-dung-cua-nguoi-dan-canada/291025.html