Lạm phát làm thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm của người Bỉ

Dịch COVID-19 và sau đó là khủng hoảng sức mua đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người Bỉ. Nghiên cứu do Liên đoàn thương mại Bỉ (Comeos) thực hiện cho thấy người Bỉ ngày càng ít đến nhà hàng.

Quán cafe tại trung tâm thủ đô Brussels. Ảnh: Hương Giang - PV TTXVN tại Bỉ

Quán cafe tại trung tâm thủ đô Brussels. Ảnh: Hương Giang - PV TTXVN tại Bỉ

Lĩnh vực nhà hàng - khách sạn bị ảnh hưởng đặc biệt bởi bối cảnh kinh tế hiện tại. Nghiên cứu của Comeos làm sáng tỏ những khó khăn mới của các nhà hàng. Trong khi mức tăng trong lượng tiêu thụ tại chỗ tại các nhà hàng đã giảm từ 51,3% vào năm 2019 xuống chỉ còn 43,5%, thì thị phần của các chuỗi thức ăn nhanh lại tăng từ 9,4% bốn năm trước lên 17,1%.

Ông Wim Van Edom, nhà kinh tế trưởng tại Comeos, phân tích, điều này có thể là do lạm phát. Theo ông, khi sức mua chịu áp lực, người tiêu dùng ít đến các nhà hàng truyền thống hơn và đến các nhà hàng thức ăn nhanh thường xuyên hơn vì những món ở đó rẻ hơn. Ông cho biết số lượt khách đến các nhà hàng hiện giảm 10,8% so với năm 2019. Các tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh trong năm 2023, chi phí sinh hoạt đã có tác động lớn hơn đến những người tiêu dùng, và xu hướng giảm lượng khách đến nhà hàng sẽ tiếp diễn chừng nào niềm tin của người tiêu dùng vẫn ở mức thấp.

Dù vậy, các nhà hàng vẫn có thể trông cậy vào dịch vụ giao đồ ăn tại nhà, một dịch vụ được cung cấp bởi các nền tảng mà 17,5% người Bỉ hiện đang sử dụng, theo Shopperware và Comeos. Do đó, doanh thu của Uber Eats, Deliveroo và Takeaway.com đã tăng đến 39% so với năm 2019.

Theo cuộc khảo sát do Comeos thực hiện, số lượng người tiêu dùng bị thu hút bởi những lợi thế của việc giao hàng tận nhà sẽ tăng lên 19,5%, nhiều hơn hai điểm phần trăm so với hiện nay. Nhưng người dùng hiện tại có nguy cơ giảm tần suất đặt hàng vì lý do tài chính.

Trong thời kỳ đại dịch, hình thức phân phối hàng loạt như ở các siêu thị đã trở nên hiệu quả. Ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, nó chiếm 80% doanh số bán thực phẩm và đồ uống.

Thị phần này đã giảm xuống 61% trong nửa đầu năm nay, vẫn cao hơn mức 56% của năm 2019. Mặt khác, các doanh nghiệp thực phẩm chuyên biệt, như cửa hàng thịt, cửa hàng pho mát, dịch vụ ăn uống, tiệm bánh, đang chứng kiến thị phần giảm từ 14% xuống 10% chỉ trong vòng bốn năm.

Ông Wim Van Edom cho biết người tiêu dùng đang chuyển từ bít-tết mua ở cửa hàng thịt sang bít-tết từ siêu thị. Điều này càng thể hiện rõ ràng hơn với các mặt hàng thực phẩm tiêu thụ trong ngày.

Thị phần của các cửa hàng thực phẩm chuyên dụng đã giảm từ 25% xuống 16%, trong khi thị phần của các siêu thị đã tăng từ 58 lên 63%. Khi mua sắm tại siêu thị, người tiêu dùng thường chia nhỏ việc mua sắm của mình nhiều hơn, mua số lượng ít hơn và chuyển sang các sản phẩm rẻ hơn để phù hợp với thực tế mới về sức mua của họ.

Hương Giang (P/v TTXVN tại Brussels)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lam-phat-lam-thay-doi-thoi-quen-tieu-dung-thuc-pham-cua-nguoi-bi/316448.html