Làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản là phạm luật

Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) không có số liệu nào về nợ đọng xây dựng cơ bản của bộ, ngành, địa phương. Còn bộ, ngành, địa phương nào mà phát sinh nợ thì phải có trách nhiệm và phải bị pháp luật xử lý.

Sáng nay, 15/6, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan tới một số lĩnh vực trọng tâm mà Bộ có trách nhiệm quản lý Nhà nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng nay, 15/6, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan tới một số lĩnh vực trọng tâm mà Bộ có trách nhiệm quản lý Nhà nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 15/6, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan tới một số lĩnh vực trọng tâm mà Bộ có trách nhiệm quản lý Nhà nước.

Trả lời đại biểu Tạ Văn Hải (Bạc Liêu), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ được 88% nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Còn lại 198.379 tỷ đồng chưa giao đang nằm ở các dự án chưa đủ thủ tục đang xem xét như: Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, đường ven biển, Chương trình mục tiêu hải đảo, tăng vốn cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành, dự án chống ngập TPHCM… trong đó loạt dự án khởi công mới có gần 13.000 tỷ đồng.

Để triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ KH&ĐT đề nghị các địa phương, bộ, ngành căn cứ các quyết định của Thủ tướng phải có thông báo chi tiết việc bố trí vốn gửi tới các đơn vị để triển khai sớm và tiếp tục xây dựng kế hoạch giải ngân năm 2018 và chuẩn bị cho các năm 2019-2020. Tiếp tục hoàn thiện sớm thủ tục giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đặc biệt lưu ý đẩy nhanh tiến độ giải ngân vì những năm vừa qua tiến độ giải ngân chậm, gây ảnh hưởng tới tăng trưởng và hiệu quả sử dụng vốn. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương giao nốt phần vốn chưa giao cho dự án.

Về phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản thì Luật Đầu tư công quy định, sau 31/12/2014 các bộ ngành, địa phương không được làm phát sinh nợ đọng và nếu làm phát sinh thì sẽ là vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự. Còn từ ngày 31/12/2014 trở về trước, nợ đọng xây dựng khoảng 11.000 tỷ đồng và ngân sách đã bố trí trả nợ xong. Sau mốc này, các khoản đầu tư Trung ương đã không còn nợ xây dựng cơ bản.

“Hiện nay Bộ KH&ĐT không có số liệu nào về nợ đọng xây dựng cơ bản của bộ, ngành, địa phương. Còn bộ, ngành, địa phương nào mà có thì phải có trách nhiệm và phải bị pháp luật xử lý”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Về nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có nợ đọng là 15.000 tỷ đồng, tới nay giảm còn nợ 9.000 tỷ đồng, tập trung trong lĩnh vực giao thông của địa phương. Giai đoạn 2016-2020 Quốc hội đã giao phải thanh toán hết nợ này, phần thuộc ngân sách địa phương thì địa phương phải trả đủ.

Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết, số liệu giải ngân đầu tư công của Bộ trưởng không khớp với báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học, nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh thêm 37.000 tỷ đồng, nợ đọng xây dựng cơ bản nông thôn phát sinh thêm hơn 10.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Luật Đầu tư công không cho phép ngân sách thanh toán nợ đọng cơ bản thì căn cứ nào để các địa phương thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và trách nhiệm của địa phương nếu không thanh toán được?

Trả lời đại biểu Nguyễn Thái Học, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Số liệu 15.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản trong nông thôn mới là số liệu trước ngày 31/12/2014. Ngân sách đã trả nợ được 6.000 tỷ đồng là ở giai đoạn trước, chứ không phải xử lý sau 31/12/2014. Số liệu ngân sách trả nợ đọng sau mốc này là số không hợp lệ, vi phạm pháp luật”.

Quốc Thanh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/lam-phat-sinh-no-dong-xay-dung-co-ban-la-pham-luat/308775.vgp