Lạm phát tại Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tháng 8 tăng 0,2%, phù hợp với dự đoán, trong khi CPI lõi tăng 0,3% trong tháng, cao hơn một chút so với ước tính, củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chỉ cắt giảm lãi suất ở mức 0,25%.
Lạm phát lõi vẫn “cứng đầu”
Theo báo cáo lạm phát tháng 8 của Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm thứ Tư, chỉ số giá tiêu dùng, một thước đo rộng về chi phí hàng hóa và dịch vụ trên toàn nền kinh tế Mỹ, đã tăng 0,2% trong tháng 8, đúng như dự báo của Dow Jones. Kết quả này đưa tỷ lệ lạm phát hàng năm xuống 2,5% vào tháng 8, giảm 0,4% so với mức của tháng 7, và đạt mức thấp nhất trong 3,5 năm qua (kể từ tháng 2/2021).
Tuy nhiên, chỉ số CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã tăng 0,3% trong tháng 8, cao hơn một chút so với ước tính 0,2%. Tỷ lệ lạm phát lõi hàng năm giữ ở mức 3,2%, đúng với dự báo. Giới phân tích nhận định, việc chỉ số CPI lõi tăng nhẹ khiến Fed vẫn phải thận trọng với lạm phát, làm giảm xác suất có một đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn khi các nhà hoạch định chính sách Fed họp vào thứ Ba và thứ Tư tuần tới. "Đây không phải là báo cáo CPI mà thị trường mong đợi. Với lạm phát lõi cao hơn dự kiến, con đường của Fed để cắt giảm 50 điểm cơ bản trở nên phức tạp hơn", Seema Shah, chiến lược gia toàn cầu tại Principal Asset Management cho biết.
Các chỉ số chứng khoán đã giảm điểm ngay sau khi báo cáo tháng 8 của Cục Thống kê Lao động được công bố, trong khi lợi suất trái phiếu diễn biến trái chiều. Tuy nhiên sau đó thị trường đã hồi phục trong ngày, đảo chiều chuyển sang sắc xanh khi kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Tư.
Trên thị trường, các nhà giao dịch hiện định giá 85% khả năng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ phê duyệt việc cắt giảm lãi suất 0,25%, tương đương 25 điểm cơ bản, khi cuộc họp chính sách của họ kết thúc vào ngày 18/9, trong khi vẫn có 15% định giá khả năng lãi suất giảm 0,5%, theo công cụ FedWatch của CME Group. Một vài tuần trước, thị trường còn nghiêng khá nhiều về khả năng Fed có thể mạnh tay cắt giảm 50 điểm cơ bản. "Số liệu này chắc chắn không phải là trở ngại cho hành động chính sách vào tuần tới, nhưng những người có quan điểm thận trọng trong Ủy ban có thể sẽ sử dụng báo cáo CPI tháng 8 như một bằng chứng rằng, chặng cuối của lạm phát cần được xử lý cẩn thận - một lý do thuyết phục để chỉ giảm 25 điểm cơ bản", chuyên gia Seema Shah bổ sung.
Thị trường đã định giá ở các mức lãi suất thấp hơn
Trong khi các số liệu cho thấy lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần, chi phí liên quan đến nhà ở vẫn là một vấn đề. Thành phần chi phí nhà ở trong chỉ số CPI (chiếm khoảng 1/3 trọng số trong chỉ số này), đã tăng 0,5% trong tháng 8. Chỉ số chi phí nhà ở đã tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, thu nhập thực tế cũng tăng trong tháng, với thu nhập trung bình theo giờ vượt mức tăng CPI hàng tháng là 0,2%, theo một báo cáo riêng của Cục Thống kê Lao động. Trên cơ sở 12 tháng, thu nhập trung bình theo giờ điều chỉnh theo lạm phát tăng 1,3%. Sự chú ý của Fed gần đây đã chuyển sang thị trường lao động, vốn đang ghi nhận tốc độ chậm lại. Từ tháng 4, số lượng việc làm được tạo ra đã giảm gần một nửa so với năm tháng trước đó. Nhiều quan chức NHTW cho rằng, việc ngăn chặn nguy cơ suy giảm rộng hơn hiện nay cũng quan trọng không kém cuộc chiến chống lạm phát.
Bất kể Fed đưa ra quyết định như thế nào khi kết thúc cuộc họp của họ vào thứ Tư tuần tới, thị trường đã định giá các mức lãi suất thấp hơn. Lợi suất trái phiếu kho bạc, đặc biệt là loại kỳ hạn 2 năm và 10 năm, đang ở mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Đường cong lợi suất đảo ngược - một chỉ số báo hiệu suy thoái - đã đảo ngược gần đây, một tín hiệu dự báo cả việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất cũng như nguy cơ suy giảm của nền kinh tế.
Các nhà phân tích nhận định, mặc dù vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed, báo cáo hôm thứ Tư cung cấp thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang giảm dần. Tuy nhiên, có những lĩnh vực mà giá vẫn ở mức cao hoặc đã tăng trở lại. "Mặc dù lạm phát đã giảm, điều đó không có nghĩa là giá cả những thứ mà người dân mua thực sự đã giảm. Nó chỉ có nghĩa là giá cả không tăng nhanh như trước. Trên thực tế, người tiêu dùng Mỹ hiện đang phải trả nhiều hơn 20% cho hàng hóa và dịch vụ so với trước đại dịch", Lisa Sturtevant, chuyên gia kinh tế trưởng tại Bright MLS cho biết. Ví dụ, giá vé máy bay đã tăng 3,9% trong tháng 8 sau khi giảm trong 5 tháng trước đó. Bảo hiểm xe cơ giới cũng tiếp tục tăng, tăng 0,6% và đẩy mức tăng hàng năm lên 16,5%. Chi phí bệnh viện và các dịch vụ liên quan tăng 0,4% và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.