Lạm phát tại New Zealand ghi nhận mức cao kỷ lục kể từ năm 1990
Số liệu do Cơ quan Thống kê New Zealand (Stats NZ) công bố ngày 18/7 cho thấy lạm phát nước này trong quý II đã tăng lên 7,3%, cao hơn 0,4% so với quý trước đó và là mức cao nhất trong vòng 32 năm.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở Christchurch, New Zealand.
Trong đó, đóng góp nhiều nhất vào sự gia tăng này là chi phí nhà ở, đã tăng 18,3% trong vòng 12 tháng qua.
Người phát ngôn Stats NZ, Jason Attewell, cho rằng các vấn đề về chuỗi cung ứng, chi phí lao động và nhu cầu cao đã tiếp tục đẩy chi phí xây dựng lên cao hơn. Bên cạnh đó, các yếu tố như lạm phát toàn cầu, giá nhiên liệu, lương thực tăng cũng góp phần làm tăng chi phí sinh hoạt ở New Zealand.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính New Zealand, Grant Robertson, cho biết ông hy vọng con số 7,3% sẽ là mức đỉnh của lạm phát và sau đó sẽ dần đi xuống trong nửa cuối năm nay, theo như tính toán của các chuyên gia kinh tế.
Để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, Chính phủ New Zealand đã khẩn trương ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ chi tiêu sinh hoạt cho người dân. Ngày 17/7, Wellington thông báo gia hạn chương trình giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu, đồng thời tiếp tục giảm 50% phí sử dụng đường bộ, giá vé giao thông công cộng, cho đến tháng 1/2023.
Ông Robertson cho biết quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và hỗ trợ chi phí giao thông công cộng được Wellington áp dụng từ tháng 3 năm nay và ước tính đã tạo ra các tác động cộng gộp, giúp New Zealand giảm lạm phát "lõi" khoảng 0,5 điểm phần trăm trong quý II. Việc gia hạn thêm chính sách này sẽ tiếp tục giúp hạ nhiệt tỷ lệ lạm phát trong các quý tới.
Cùng với các chính sách tài khóa của chính phủ, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ, tức ngân hàng trung ương) cũng đang thắt chặt các chính sách tiền tệ, nhằm hạ thấp lạm phát. Ngày 13/7 vừa qua, RBNZ đã tăng lãi suất lần thứ 6 liên tiếp, đưa lãi suất cơ bản lên mức trung lập 2,5%.