Lạm phát thấp, điều hành giá cần thận trọng

Với mức bình quân lạm phát 6 tháng đầu năm tăng thấp hơn so với nhiều năm, các chuyên gia kinh tế dự báo lạm phát cả năm tăng thấp hơn so với mục tiêu đề ra, cao nhất dự báo chỉ khoảng 3,5%.

Tuy nhiên, tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023 do Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức, các chuyên gia cho rằng cần phải điều hành giá thận trọng.

Trung gian đẩy giá cao, người tiêu dùng vẫn gặp khó

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy xu hướng tăng giá diễn ra tập trung vào các tháng Tết, nhưng sang đến tháng 3/2023, CPI đã quay đầu giảm kéo dài sang hết tháng 4/2023 và đến tháng 5/2023, tháng 6/2023 có xu hướng tăng nhẹ trở lại.

Hệ thống phân phối của Việt Nam vẫn quá nhiều trung gian. Ảnh minh họa

Hệ thống phân phối của Việt Nam vẫn quá nhiều trung gian. Ảnh minh họa

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 1/2023, nhưng sau đó giảm mạnh hơn dự báo. Lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 6/2023 đã giảm về mức chỉ còn 2%. Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm (đầu tư, tiêu dùng) hoặc sụt giảm (xuất khẩu).

Cùng với đó, tăng trưởng cung tiền cũng thấp. Nguyên nhân chính khiến cung tiền tăng chậm, một mặt là do tổng cầu yếu khiến nhu cầu tín dụng thấp, mặt khác, do các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay khi lo ngại nợ xấu gia tăng. Điều này khiến số nhân tiền tệ hay tốc độ quay vòng tiền tệ bị suy giảm mạnh. Nguyên nhân thứ ba khiến lạm phát giảm mạnh là do lãi suất thực ở mức quá cao.

Nhận xét “giá cả tương đối êm dịu”, song từ góc độ thị trường, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú lại cho rằng thị trường bán lẻ vẫn tồn tại nhiều bất cập. Trong khi giá từ tay người sản xuất rất rẻ thì qua các khâu trung gian phân phối đến tay người tiêu dùng lại cao, làm cho sức mua yếu.

“Đơn cử như giá cam tại vườn chỉ 5.000 đồng/kg, nhưng Hà Nội vẫn 25.000 đồng/kg. Thịt lợn có lúc giảm 37%, giá ở chợ xuống 130.000 đồng/kg, nhưng khảo sát một số siêu thị vẫn 200.000 đồng/kg. Điều này cho thấy hiệu lực quản lý giá của chúng ta còn yếu”, ông Phú đánh giá và cho rằng, hệ thống phân phối hàng hóa của Việt Nam qua quá nhiều khâu trung gian, vì vậy, phải tổ chức lại hệ thống phân phối, nâng cao tính nhân văn chia sẻ cho cộng đồng, nhất là trong bối cảnh đời sống người lao động khó khăn.

Ngoài ra, theo ông Phú, hệ thống giá dịch vụ nhiều mặt hàng lên rồi không xuống, nhiều giá dịch vụ ngầm tăng... khiến đời sống người tiêu dùng khó khăn.

Dự báo lạm phát thấp hơn so với mục tiêu

Dù lạm phát giảm, song đại diện Cục Quản lý giá cũng đưa ra một số áp lực lên mặt bằng giá cả trong 6 tháng cuối năm, trong đó việc lương cơ bản tăng 20% từ ngày 1/7/2023 sẽ tác động đến các hàng hóa, dịch vụ khác; giá điện tăng; dịch vụ du lịch tiếp đà phục hồi; giá các mặt hàng thiết yếu tăng theo quy luật vào thời điểm cuối năm.

Cùng với đó, giá sách giáo khoa các bộ mới và một số mặt hàng do Nhà nước định giá thực hiện điều chỉnh như giá dịch vụ giáo dục năm học 2023- 2024 dự kiến sẽ tăng theo dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa tăng... Viện Kinh tế - Tài chính nhận định những diễn biến trong 6 tháng đầu năm dự báo sẽ tiếp tục tác động kiềm chế tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm...

Còn TS Đinh Trọng Thịnh dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2023 nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,3% - 7,0% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,3% - 3,5%.

Dù dự báo lạm phát thấp, song nhiều giải pháp đã được khuyến nghị cho công tác điều hành giá tại nửa cuối năm. PGS.TS. Phan Thế Công, Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Thương mại cho rằng, công tác quản lý giá và kiểm soát lạm phát trong thời gian tới cần tiếp tục chủ động, bám sát và theo dõi chặt chẽ các biến động của tình hình kinh tế - tài chính toàn cầu, đặc biệt là biến động giá cả hàng hóa.

Trong đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, vị chuyên gia này đề nghị xem xét và có phương hướng giảm bớt các chi phí thương mại, tăng cường cơ sở hạ tầng hỗ trợ thương mại, giảm chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn xuất nhập khẩu hàng hóa…

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa” của một số chủ thể, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng đề nghị cơ quan chức năng phải tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá…

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/lam-phat-thap-dieu-hanh-gia-can-than-trong-i699345/