Lạm phát tiếp diễn, suy thoái xuất hiện

Chính phủ các nước châu Âu đang đứng trước áp lực phải hành động khẩn cấp trước tình trạng lạm phát tăng mạnh đã khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn.

Lạm phát dù chững lại nhưng vẫn gây áp lực tại nhiều quốc gia. Ảnh: Reuters.

Lạm phát dù chững lại nhưng vẫn gây áp lực tại nhiều quốc gia. Ảnh: Reuters.

Âm ỉ tại Mỹ

Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 12/4 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này hầu như không tăng trong tháng 3 do giá xăng dầu giảm, song giá thuê nhà tiếp tục tăng cao khiến áp lực lạm phát vẫn âm ỉ, làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trở lại vào tháng tới.

CPI của Mỹ đã tăng 0,1% trong tháng 3, sau khi tăng 0,4% trong tháng trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI đã tăng 5,0% vào tháng 3, giảm so với mức tăng 6,0% của tháng 2 và là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 5/2021.

Không tính đến giá năng lượng và thực phẩm dễ dao động, CPI lõi của Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng 3, sau khi tăng 0,5% trong tháng 2. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi đã tăng 5,6% trong tháng 3, sau khi tăng 5,5% trong tháng trước đó. Giá xăng giảm 4,6% được bù đắp bằng chi phí thuê nhà cao hơn. Tuy nhiên, giá xăng dự báo sẽ tăng trở lại sau khi các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu vào đầu tháng này.

Giá thực phẩm không thay đổi, duy trì ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, khi các hộ gia đình được cứu trợ một số sản phẩm tại siêu thị. Giá thực phẩm tiêu thụ tại nhà giảm 0,3%, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 9/2020. Giá trứng giảm 10,9%. Thịt, trái cây và rau cũng rẻ hơn. Tuy nhiên, giá ngũ cốc và các sản phẩm bánh mì cũng như đồ uống không cồn đều tăng.

Trong khi đó, lạm phát dịch vụ có dấu hiệu chững lại. Giá thuê nhà, mặc dù vẫn cao, nhưng đã tăng với tốc độ chậm nhất trong gần một năm. Giá thuê nhà tương đương của chủ sở hữu (OER), thước đo số tiền mà chủ nhà sẽ trả để thuê hoặc sẽ thu được từ việc cho thuê tài sản, đã tăng 0,5% trong tháng 3, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2022 và theo sau mức tăng 0,7% trong tháng 2.

Ông Ryan Sweet, kinh tế trưởng tại Oxford Economics, dự báo lạm phát sẽ dần hạ nhưng suy thoái xuất hiện và Fed có khả năng sẽ giữ lãi suất cao trong suốt thời gian còn lại của năm nay. Công cụ FedWatch của CME Group cũng đang nghiêng về việc Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách ngày 2-3/5 tới.

Các quan chức Fed cảnh báo rằng, họ có thể tăng lãi suất hơn nữa nếu điều đó là cần thiết để kiềm chế lạm phát.

Giá thực phẩm “nhảy múa”

Tại châu Âu, ngay cả khi lạm phát toàn phần bắt đầu giảm bớt, áp lực tăng của giá lương thực vẫn còn tồn tại, bất chấp chỉ số giá lương thực liên tục giảm trong 1 năm vừa qua. Đơn cử, giá đường, được sử dụng trong vô số các món ăn, đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua vào tuần trước.

Các chính phủ châu Âu đứng trước áp lực phải hành động khẩn cấp trước tình trạng lạm phát tăng mạnh đã khiến nhiều gia đình phải vật lộn để kiếm sống qua ngày, gây ra các cuộc đình công và biểu tình trên khắp châu Âu khi người lao động đòi một mức lương cao hơn vì chi phí sinh hoạt đã tăng phi mã.

Theo nhà kinh tế cấp cao Maartje Wijffelaars của Tập đoàn tài chính Rabobank, tại một số nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone), giá lương thực đang tăng với tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Lạm phát khu vực đồng Euro đã giảm xuống 6,9% trong tháng 3. Ở Pháp, lạm phát chậm lại còn 6,6%, nhưng giá lương thực vẫn tăng lên khoảng 16%. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Đức, nơi lạm phát lương thực tăng hơn 20%. Điều đó đang thúc đẩy nhiều chính phủ châu Âu đẩy mạnh các biện pháp để ngăn chặn tốc độ tăng giá lương thực. Bồ Đào Nha đã phải loại bỏ thuế đối với các mặt hàng thiết yếu, trong khi Pháp kêu gọi các siêu thị giảm lợi nhuận để giảm giá bán và Thụy Điển tăng cường giám sát các cửa hàng tạp hóa.

Bà Angel Talavera - Trưởng bộ phận kinh tế châu Âu tại Oxford Economic - cho biết: "Tại châu Âu, giá thực phẩm đã tăng 15 - 20%, đối với một số mặt hàng thực phẩm thậm chí còn cao hơn khiến các chính phủ ngày càng lo lắng".

Trong khi đó, lạm phát bán lẻ hàng năm của Ấn Độ trong tháng 3 tăng với tốc độ chậm nhất trong gần 15 tháng qua và lần đầu tiên trong năm nay thấp hơn mức cho phép của ngân hàng trung ương do giá lương thực giảm.

Lạm phát lương thực giảm nhẹ xuống 4,79% so với 5,95% của tháng trước, giá rau giảm, bù đắp cho giá ngũ cốc tăng cao. Ngay cả lạm phát cơ bản - vốn là mối quan tâm chính của các nhà hoạch định chính sách trong nhiều tháng - cũng đã giảm xuống còn 5,75% từ mức 5,78% vào tháng trước. Giá rau và dầu giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi sữa và trứng tiếp tục đắt hơn.

Theo các chuyên gia, giải quyết lạm phát giá lương thực phức tạp hơn so với việc can thiệp vào thị trường năng lượng. Nhiều yếu tố đã đẩy giá lương thực tăng cao hơn, từ hạn hán và gián đoạn dòng chảy thương mại, chi phí phân bón và các bệnh như cúm gia cầm. Chi phí năng lượng và lao động cao hơn cũng đang gây áp lực lớn cho các nhà sản xuất và trồng trọt thực phẩm, nhất là khi suy thoái đã xuất hiện.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, tình trạng lạm phát liên tục cao trên toàn thế giới, đi kèm với những nỗ lực của các ngân hàng trung ương để chống lại nó có thể sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và năm tới.

Mai Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lam-phat-tiep-dien-suy-thoai-xuat-hien-5715206.html