Làm phim cần vấp ngã và hồn nhiên

Hội thảo 'Phát hiện và bồi dưỡng tài năng điện ảnh: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp của Việt Nam' trong khuôn khổ LHP Châu Á Đà Nẵng xoay quanh những câu hỏi về khả năng phát hiện và đào tạo một thế hệ những nhà làm phim trẻ của các khóa học điện ảnh chính quy lẫn ngắn hạn tại Việt Nam.

Tài năng thôi chưa đủ

Mở đầu hội thảo, TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Giám đốc LHP Châu Á Đà Nẵng (DANAFF) nhấn mạnh, một trong nhiều mục tiêu mà DANAFF III mong muốn đạt được là mở rộng chương trình Tài năng nhằm phát hiện và nuôi dưỡng các nhà làm phim trẻ tiềm năng hiện thực hóa giấc mơ điện ảnh của mình.

Các diễn giả tại Hội thảo. Ảnh: Kinh Quốc

Các diễn giả tại Hội thảo. Ảnh: Kinh Quốc

Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với giới làm phim độc lập tại Việt Nam cũng như khu vực châu Á, bởi vì chỉ có tài năng thôi là chưa đủ để bắt đầu một sự nghiệp làm phim lâu dài. Là một nhà làm phim và giảng viên ngành Điện ảnh tại trường Đại học Columbia, New York, đạo diễn Tony Bùi đánh giá cao tính cộng đồng, quá trình rèn luyện, sự thất bại và hỗ trợ từ hệ thống đào tạo làm phim hơn là khả năng thiên bẩm của cá nhân một nhà làm phim trẻ.

Ông từng chứng kiến nhiều bạn trẻ đam mê điện ảnh tại Hoa Kỳ, và cả Việt Nam, có bản năng làm phim tốt nhưng đành bỏ dở ước mơ bởi thiếu vắng một hệ thống đào tạo và một cộng đồng nâng đỡ họ. “Tài năng hiếm khi xuất hiện ở trạng thái chín muồi, mà nó hình thành dần dần thông qua thử nghiệm, suy ngẫm, sự cố vấn, quy trình, và trên hết là sự hỗ trợ”, Tony Bùi chia sẻ.

Để minh họa quan điểm của mình, vị đạo diễn đã phân tích kỹ lưỡng về Chương trình Bồi dưỡng Biên kịch và Đạo diễn tại Sundance Labs, một “lò ấp sáng tạo” đã góp phần định hình sự nghiệp của nhiều nhà làm phim từng thắng giải hoặc được đề cử Oscar như Chlóe Zhao, Quentin Tarantino và Ryan Coogler. Các bộ phim được phát triển tại Sundance Labs đã giành hơn 40 đề cử Oscar, điều này chứng minh được độ hiệu quả của chương trình giảng dạy tại đây.

Một yếu tố then chốt của mô hình Sundance Labs nằm ở quy trình tuyển chọn ứng viên bằng 3 câu hỏi chính: Tại sao chọn câu chuyện này? Tại sao là ngay lúc này? Và tại sao là bạn? “Họ không tìm kiếm những kịch bản hoàn hảo, cũng không tìm kiếm những dự án đã chỉn chu, sẵn sàng để đi rao bán. Họ thậm chí còn không tìm người tài năng nhất. Thứ họ tìm kiếm là một tiếng nói. Họ muốn những câu chuyện mang tính cấp thiết, cá nhân. Những câu chuyện mà chỉ duy nhất người làm phim đó mới có thể kể ra. Điều thường khiến họ chú ý chính là sự không hoàn hảo nhưng đầy hứa hẹn - những kịch bản còn nhiều khiếm khuyết nhưng đầy can đảm. Những ý tưởng còn thô ráp nhưng tràn đầy sức sống cảm xúc”, đạo diễn Tony Bùi chia sẻ.

Quan trọng hơn cả, khóa học này là nơi để các nhà làm phim tương lai “buộc” phải trải qua thất bại, bởi vì việc học hỏi và thấu hiểu thực sự chỉ diễn ra thông qua những lần thất bại. Sundance Labs trao cho học viên một không gian an toàn để vấp ngã bên cạnh những người thực sự quan tâm đến sự trưởng thành của họ.

Nâng tầm khán giả

Tony Bùi cho rằng nền điện ảnh Việt có thể điều chỉnh mô hình này để đào tạo ra một thế hệ những nhà kể chuyện đậm chất văn hóa bản địa. Ông khẳng định: “Chúng ta không cần đợi Sundance Labs. Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra hệ sinh thái đào tạo và nuôi dưỡng những tiếng nói điện ảnh độc đáo của chính mình”.

Hai đạo diễn Tony Bùi (trái) và Bùi Thạc Chuyên trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: Kinh Quốc

Hai đạo diễn Tony Bùi (trái) và Bùi Thạc Chuyên trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: Kinh Quốc

Chia sẻ ý tưởng này, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bổ sung, rằng sự hồn nhiên trong lối kể chuyện là yếu tố quan trọng trong việc định hình bản thân như một nhà làm phim. Ông gửi gắm đến những người trẻ đang tập tành làm phim những bài học cốt lõi mà ông đã tích góp được sau hơn 20 năm giảng dạy tại trung tâm đào tạo điện ảnh TPD: “Thứ nhất, làm phim chẳng bao giờ khó cả, rất là dễ. Thứ hai, làm phim thì cần phải hồn nhiên. Thứ ba, hay dở không quan trọng, quan trọng là phải hoàn thành phim. Chính sự hồn nhiên đó nuôi dưỡng đam mê của các em”.

Ươm mầm tài năng điện ảnh trẻ và những tiếng nói mới mẻ được thể hiện qua phương tiện phim ảnh là một trọng tâm mới mẻ trong mùa thứ 3 của LHP Châu Á Đà Nẵng (DANAFF III). Khóa học ngắn Vườn ươm dự án là một sáng kiến tiên phong của DANAFF III nhằm hướng dẫn và hỗ trợ các dự án phim tiềm năng trong việc phát triển kịch bản, thuyết trình gọi vốn từ các nhà đầu tư, và tìm kiếm sự hợp tác quốc tế.

PGS. TS. Hoàng Cẩm Giang - Trưởng Bộ môn Nghệ thuật học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội lại cho rằng khán giả đóng vai trò vô cùng quan trọng: “Để có được một thế hệ điện ảnh mới thì chúng ta phải nuôi dưỡng, tạo điều kiện nâng cao thẩm mỹ của khán giả. Không chỉ đào tạo các nhà lý luận phê bình, và các nhà làm phim, mà còn “đào tạo” những thế hệ khán giả, nâng cao cái tầm đón đợi của họ, nới rộng gu thẩm mỹ để có thể đón nhận những cái giá trị điện ảnh mới mang tính tiên phong”. Lớp khán giả mới này sẽ tạo nên hệ sinh thái mới cho điện ảnh Việt Nam, đồng hành phát triển với những đạo diễn, biên kịch, hay nhà lý luận phê bình phim.

Dưới cái nhìn của một Ủy viên LHP Truyền phát Quốc tế Hàn Quốc (KISF), ông Charles Kim cho rằng ngành điện ảnh Việt Nam cần đa dạng hóa thể loại phim lên mức độ phổ quát, đồng thời xây dựng các hệ thống phát triển tài năng vững chắc để có thể cạnh tranh trên đấu trường quốc tế. Việc tập trung chủ yếu vào các thể loại phim hài và phim kinh dị phục vụ thị trường nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khán giả quốc tế.

Ngoài ra, tính chuyên nghiệp và sức hút đại chúng của phim ảnh Việt đang có một khoảng cách rõ rệt. Những người có tầm ảnh hưởng hay KOL được mời đóng phim nhưng lại thiếu khả năng diễn xuất, trong khi sinh viên tốt nghiệp trường điện ảnh lại chật vật tìm cơ hội. Do đó, các liên hoan phim Việt Nam, đặc biệt là DANAFF, nên phát triển để trở thành các hệ sinh thái sáng tạo, các nền tảng cho chợ dự án, diễn đàn đồng sản xuất và phát triển dự án, thay vì chỉ là nơi trình chiếu phim.

KINH QUỐC

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lam-phim-can-vap-nga-va-hon-nhien-post1757234.tpo