Làm rõ các vấn đề 'đô thị xả thải, nông thôn gánh chịu ô nhiễm'

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, một trong những giải pháp căn cơ để giải quyết ô nhiễm, 'hồi sinh' các dòng sông 'chết' là cần giữ được nước chảy tự nhiên cũng như phải 'điều hòa' được dòng chảy.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhấn mạnh Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và các lưu vực sông (như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu) đang ô nhiễm nặng và còn tình trạng một số dòng sông “chết” vừa ô nhiễm vừa không có dòng chảy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng các địa phương cần phải chung tay với nhau để xử lý nước thải đồng bộ; trong đó giải pháp căn cơ là phải giữ được nước chảy tự nhiên cũng như phải “điều hòa” được dòng chảy.

Còn dòng sông “chết,” không có dòng chảy

Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn sáng 4/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn tỉnh Hải Dương) bày tỏ nỗi trăn trở khi một số dòng sông đã bị “chết” do ô nhiễm trầm trọng trong, trong đó có hệ thống Thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Vì thế, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp và kế hoạch của bộ này trong việc hồi sinh các dòng sông “chết” cũng như hệ thống Thủy lợi Bắc Hưng Hải trong thời gian tới.

Cùng mối quan tâm về vấn đề giải quyết ô nhiễm nguồn nước, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) cho biết địa phương này cũng như các tỉnh nằm ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy đang là những địa phương chịu tác động nặng nề của ô nhiễm nguồn nước do nước thải chưa đạt tiêu chuẩn xả vào.

Dẫn báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh nước thải từ làng nghề, nước thải công nghiệp đang chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu nước thải phát sinh, trong khi đó tỷ lệ nước thải thu gom đạt tỷ lệ thấp.

Đáng chú ý, đại biểu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ ý kiến cho rằng “tình trạng xả thải càng nhiều, việc xử lý nước thải càng ít? Đô thị xả thải, nông thôn gánh chịu ô nhiễm?”

“Ngoài giải pháp thành lập Ủy ban lưu vực sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các địa phương thuộc lưu vực có các đô thị làng nghề lớn hoặc phối hợp, với các bộ, ngành có liên quan để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước sông Nhuệ - Đáy như thế nào?” đại biểu Mai Thị Phương Hoa đặt thêm câu hỏi.

Liên quan đến nội dung trên, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thừa nhận Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và một số lưu vực sông như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu đang ô nhiễm nặng. Một số dòng sông “chết” vừa ô nhiễm vừa không có dòng chảy.

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường hệ thống quan trắc và phân tích môi trường trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy. Hiện nay có 5 điểm quan trắc tự động, 42 điểm quan trắc môi trường nước mặt. Ngoài ra, những địa điểm xả thải có lưu vực lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cũng đã được cơ quan chuyên môn thiết lập quan trắc thường xuyên và liên tục, kết nối dữ liệu online.

Tuy vậy, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng thẳng thắn lưu ý dù các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực khắc phục, nhưng đến nay vẫn “chưa cải tạo được bao nhiêu.” Lý do gặp khó, theo vị bộ trưởng này là bởi các khu công nghiệp và làng nghề xả thải ra các dòng sông này cũng như chưa đủ nguồn lực để xử lý.

Phải giữ được nước, điều hòa dòng chảy

Bàn giải pháp giải để “hồi sinh” các dòng sông “chết” hiện nay, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh trong thời gian tới các địa phương cần phải chung tay với nhau để xử lý nước thải đồng bộ. Trong đó, giải pháp căn cơ là phải giữ được nước, nước chảy tự nhiên với lưu lượng nước lớn, điều hòa được dòng chảy.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Về vấn đề quản lý, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Luật Tài nguyên Nước đã được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Mới đây, ngày 16/5/2024, hai nghị định hướng dẫn thi hành luật này đã được Chính phủ ban hành.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành ba thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên Nước; quy định việc kiểm tra việc chấp pháp thi hành luật này; quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước.

“Như vậy, 28 nội dung do Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường quy định chi tiết trong luật đã được quy định chi tiết trong hai nghị định và ba thông tư để đảm bảo tiến độ luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024,” ông Đặng Quốc Khánh nói thêm.

Vị tư lệnh của ngành tài nguyên và môi trường cho biết vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Quốc hội xem xét đến quy định bảo vệ lưu vực sông. Theo đó, bộ này sẽ thành lập Đề án về bảo vệ lưu vực sông; trong đó nhấn mạnh đến đảm bảo an ninh nguồn nước, trách nhiệm của các địa phương trong việc bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, việc thành lập Tổ chức lưu vực sông phải hiệu quả nên rất cần sự phối hợp của các địa phương... Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh phải là thành viên của Tổ chức lưu vực sông, với trách nhiệm chỉ đạo, điều hành địa phương đảm bảo an ninh nguồn nước, sử dụng nguồn nước có hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập ngay Ủy ban quản lý lưu vực sông để điều phối vấn đề trên.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị trong giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ cần quan tâm đầu tư công để xử lý các dòng sông ô nhiễm này. Về phần mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đánh giá sức chịu tải của các dòng sông, với quan điểm sẽ trao đổi với các địa phương có giải pháp xử lý phù hợp.

Nói thêm về đề nghị của đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) về giải pháp triển khai chính sách về hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh đây là giải pháp quan trọng. Do đó, việc đảm bảo quản lý nguồn nước rộng khắp cả nước chắc chắn phải sử dụng hệ thống công nghệ thông tin, quan sát giám sát.

Cũng theo ông Khánh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai hệ thống giám sát, khai thác sử dụng tài nguyên nước ở Trung ương. Hiện trên cả nước có 850 tổ chức, cá nhân đã kết nối quyền số liệu hệ thống giám sát với bộ này.

“Thời gian tới, bộ tiếp tục nâng cấp hệ thống phân tích, đánh giá, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, thuật toán đám mây, phân tích, đánh giá sau đó tổng hợp và tham mưu trong công tác quản lý nhà nước,” Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói và đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư hệ thống giám sát, quan trắc, kết nối với hệ thống của quốc gia, đảm bảo an ninh nguồn nước./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lam-ro-cac-van-de-do-thi-xa-thai-nong-thon-ganh-chiu-o-nhiem-post957176.vnp