Làm rõ chức năng Hội đồng Y khoa quốc gia trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Sáng 14/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp Phiên thứ 18 cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đã có 28 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, tranh luận, 5 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản. Về cơ bản, các ý kiến nhất trí với nội dung báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật, đồng thời, đóng góp một số nội dung cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật.
Qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy: Dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra, đó là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân; khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh...
Về Hội đồng Y khoa quốc gia (Điều 24), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn về Hội đồng Y khoa Quốc gia, bao gồm cả về mô hình, tổ chức, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm, cách thức tổ chức việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề, mối quan hệ giữa Hội đồng với cơ quan quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, với đơn vị tham gia tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề, nhân lực thực hiện các nhiệm vụ và cơ chế tài chính.
Có ý kiến cho rằng Hội đồng Y khoa quốc gia nên do Bộ Y tế thành lập. Ý kiến khác đề nghị Chính phủ bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng Y khoa quốc gia. Có đại biểu băn khoăn về việc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ phát sinh bộ máy và đề nghị làm rõ năng lực của Hội đồng Y khoa, về con người, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ và việc thu phí sát hạch của Hội đồng Y khoa.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết: Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo "thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế" và coi đây là một trong các giải pháp quan trọng để phát triển nhân lực y tế.
Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, tuy có thể phát sinh tổ chức, bộ máy, nhưng như nhiều quốc gia trên thế giới, Hội đồng Y khoa Quốc gia là thiết chế cần thiết bảo đảm chất lượng dịch vụ và an toàn cho người bệnh thông qua việc kiểm tra, đánh giá năng lực trước khi cấp Giấy phép hành nghề. Thực tế ở nước ta, Hội đồng Y khoa quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập từ năm 2021, đang hoạt động với nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung phục vụ tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề.
Theo kinh nghiệm quốc tế, Hội đồng Y khoa là cơ quan hoạt động chuyên nghiệp và được tổ chức theo một trong ba mô hình như: Tổ chức độc lập với cơ quan quản lý nhà nước (Hoa Kỳ, Canada, Anh, Thái Lan...), Cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm (Nhật Bản, Trung Quốc) và phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với hội nghề nghiệp.
Theo dự thảo Đề án mà Chính phủ trình kèm hồ sơ dự án Luật, Hội đồng Y khoa Quốc gia là cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tổ chức các hoạt động xây dựng bộ câu hỏi đánh giá năng lực; tổ chức kiểm tra đánh giá theo hình thức thi trực tuyến; cơ cấu tổ chức Hội đồng dự kiến sẽ bao gồm: lãnh đạo, thành viên Hội đồng, các ban chuyên môn và Văn phòng Hội đồng để đảm bảo đủ năng lực thực hiện được giao; về lâu dài sẽ hoạt động từ nguồn thu phí kiểm tra đánh giá năng lực.
Qua trao đổi, thảo luận, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, do vậy, để thận trọng, dự thảo Luật chỉ ghi nhận hình thức tổ chức này, nguyên tắc về vị trí pháp lý, nhiệm vụ cơ bản, không quy định cụ thể thẩm quyền thành lập và giao Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia và quy định chi tiết Điều về Hội đồng Y khoa quốc gia như thể hiện tại khoản 3 Điều 24 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền về việc này theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu chỉ để Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ dẫn đến việc tập trung một đầu mối gây ùn ứ, chậm có kết quả, do đó đề xuất giao việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho các trường đào tạo y khoa, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chức năng đào tạo; công tác tổ chức thi đánh giá năng lực cần thuận tiện cho người đăng ký.
Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, Hội đồng Y khoa quốc gia được giao nhiệm vụ ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, bộ đề kiểm tra và tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề. Việc tổ chức kiểm tra được thực hiện bằng nhiều phương thức và có thể ủy quyền cho các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe tại các tỉnh, thành phố thực hiện theo ngân hàng câu hỏi do Hội đồng Y khoa ban hành theo hình thức trắc nghiệm, chấm điểm trực tiếp trên máy tính và theo Quy chế tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Do vậy, sẽ không gây khó khăn cho người xin cấp giấy phép hành nghề. Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc lộ trình sớm để Hội đồng Y khoa quốc gia tham gia tư vấn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh. Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, Hội đồng Y khoa quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập từ năm 2021 và đang hoạt động như đã báo cáo ở trên.
Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng Y khoa quốc gia hoạt động kiêm nhiệm và đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện tổ chức đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề. Do vậy, để chuẩn bị các điều kiện cần thiết về tổ chức, bộ máy, nhân lực, xây dựng, ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề, tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề thì việc quy định lộ trình chậm nhất là 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực sẽ giúp sinh viên, gia đình và xã hội có thời gian, thông tin chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
“Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội xin giữ lộ trình như quy định tại khoản 1 Điều 120 của Dự thảo”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu.
Phát biểu làm rõ thêm những vấn đề trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý về dự thảo Luật này. “Nếu dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tiếp thu, chỉnh lý mà trình được vào Kỳ họp bất thường lần thứ 2 là tốt nhất”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Khi Luật được thông qua thì ta có cả 1 năm để xây dựng Nghị định, Thông tư để triển khai luật này. Quốc hội và Chính phủ thống nhất chưa thông qua Luật này tại Kỳ họp thú 4 vừa qua thể hiện sự thận trọng, kỹ lưỡng trong việc xây dựng pháp luật. Trong quá trình thảo luận, sau khi tiếp thu mà phát hiện những vướng mắc thì tiếp tục thảo luận và điều chỉnh, xây dựng luật một cách kỹ lưỡng”.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần làm rõ vai trò của Hội đồng Y khoa quốc gia (Điều 24), quy định rõ để sau này quản lý Hội đồng y khoa là của ai, ai chịu trách nhiệm, nguyên lý của quản lý Nhà nước, cần xác định rõ trách nhiệm của quản lý nhà nước sau đó mới chia ra các bộ, ngành, địa phương làm gì. Điều 6 của dự thảo luật nêu về “Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh", Chủ tịch Quốc hội cho rằng toàn bộ phần này không có mối liên quan gì với Hội đồng y khoa. Quy định thế này loại hết các hội đồng, hội xã hội nghề nghiệp, tim mạch gan tiết niệu…
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc tham gia trong đánh giá năng lực, sau này Hội đồng y khoa nếu có thì chỉ làm đầu mối thôi chứ không thể làm tất cả mọi thứ cho hàng vạn người. Trách nhiệm của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc tham gia vào việc đánh giá năng lực như thế nào. Trong đánh giá năng lực không ai đứng ra đánh giá việc này, “tránh trường hợp anh dốt hơn lại đi đánh giá anh giỏi hơn”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Phát biểu làm rõ thêm về Hội đồng y khoa, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban công tác đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu thêm Hội đồng y khoa quốc tế để tham khảo, cần thiết kế kỹ hơn nội dung này.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh là một dự án Luật lớn, có liên quan trực tiếp đến người dân, có nhiều ý kiến khác nhau. Chính phủ cũng đang chỉ đạo các cơ quan triển khai, hoàn hiện rất kỹ đối với các nội dung của dự án Luật này.
Liên quan đến nội dung về Hội đồng Y khoa Quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, thế giới chỉ còn vài nước chưa làm, mặc dù mô hình khác nhau, không nước nào giống nước nào. Sau khi nghiên cứu và thảo luận với Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Y học Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tinh thần với điều kiện của Việt Nam vẫn cần vẫn phải thành lập tổ chức mới. Trong đó, Tổng hội Y học Việt Nam sẽ là cơ quan phối hợp.
“Hội đồng này không thể làm hết mọi việc. Cho nên tổ chức này chỉ làm đầu mối chủ trì và đảm nhiệm một số việc thôi” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm lắng nghe, chủ động phối hợp giữa Thường trực Ủy ban Xã hội, Chính phủ, Bộ Y tế trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án Luật được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân rất quan tâm. Quá trình chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật đã được thống nhất, quy định cụ thể, nhiều vấn đề quan trọng của dự thảo Luật đã được bổ sung vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thêm nhiều ý kiến về các nội dung liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ trong hướng dẫn thực hiện quy định về chức danh chuyên môn, lộ trình thực hiện để Hội đồng y khoa quốc gia vận hành, phân cấp chuyên môn kỹ thuật, tài sản vật tư y tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các cơ quan có liên quan, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo, gửi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản, nếu đảm bảo yêu cầu thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2.