Làm rõ cơ chế để triển khai mô hình TOD dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ
Để tiếp tục thực hiện các thủ tục trong giai đoạn nghiên cứu khả thi dự án đường sắt thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) - Cần Thơ, Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM vừa đề nghị Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị TP.HCM tổ chức nghiên cứu làm rõ cơ chế, chính sách pháp luật cụ thể cần thiết phải được ban hành để có thể triển khai và phát huy được mô hình TOD cho dự án.
Để tiếp tục thực hiện các thủ tục trong giai đoạn nghiên cứu khả thi dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, UBND TP.HCM vừa đề nghị Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị TP.HCM tổ chức nghiên cứu làm rõ cơ chế, chính sách pháp luật cụ thể cần thiết phải được ban hành để có thể triển khai và phát huy được mô hình TOD TOD (định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị) cho dự án.
Cùng với đó UBND TP.HCM cũng lưu ý đế thiết kế độ thị cho khu vực xung quanh các nhà ga của đường sắt để xác định quỹ đất cần thiết phải được thu hồi cho phát triển TOD hiệu quả. Tiếp tục chính xác hóa hơn nữa tổng mức đầu tư của toàn dự án và phân khai rõ ràng các cấu phần chi phí cho xây dựng, cho thu hồi đất phần công trình chính, cho thu hồi đất phần phát triển TOD tại từng ga trên địa bàn từng địa phương mà tuyến đi qua.
UBND TP.HCM đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu, bố trí đoạn tuyến đường sắt trên địa bàn Thành phố đi cao, trừ một số đoạn tuyến về các ga hàng hóa, ga lập tàu, trạm đầu mối kỹ thuật... để hạn chế tối đa những ảnh hưởng “chia cắt” các khu vực đô thị hai bên, đảm bảo việc tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn, tăng tính kết nối giữa các đầu mối giao thông đường sắt với khu vực đô thị xung quanh.
Đối với một số đoạn tuyến buộc phải bố trí đi trên mặt đất, cần tính toán, dự trù đủ chi phí xây dựng các cầu vượt, nút giao khác mức cho đường bộ (vượt qua đường sắt, đối với các đoạn tuyến đường sắt đi trên mặt đất) trong tổng mức đầu tư của dự án.
UBND Thành phố đã chỉ đạo các địa phương liên quan rà soát quỹ đất hiện hữu; điều chỉnh các quy hoạch phân khu có liên quan (nếu cần thiết) đồng thời cập nhật phạm vi dự án đường sắt; bổ sung các quy hoạch tại các vị trí thích hợp xung quanh khu vực các nhà ga để phát huy hiệu quả các khu chức năng cần thiết theo mô hình TOD, tạo nguồn lực mạnh mẽ cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Đối với khả năng bố trí quỹ đất cho dự án, UBND TP.HCM đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Thành phố cần xác định cụ thể diện tích đất cần chiếm dụng, thu hồi cho từng hạng mục trên từng địa bàn để thực hiện các thủ tục liên quan theo đúng quy định.
Đối với phạm vi tuyến đi qua khu vực đất thuộc Bộ Quốc phòng (thuộc Quân khu 7, trên địa bàn quận 12), UBND Thành phố đề nghị Ban Quản lý dự án Đường sắt chủ động làm việc với các đơn vị Bộ Quốc phòng để có các thông tin liên quan đến dự án.
Trong khi đó, đối với việc cập nhật phạm vi dự án vào các đồ án quy hoạch, UBND TP.HCM đề nghị Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND thành phố Thủ Đức, quận 12, quận Bình Tân, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch liên quan trong suốt quá trình nghiên cứu; hạn chế phát sinh những sai lệch (nếu có) gây ảnh hưởng đến việc triển khai các quy hoạch trên địa bàn.
Đáng chú ý về phương án huy động vốn, dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ được khái toán trên 200.000 tỷ đồng (tương đương trên 9 tỷ USD), đại diện UBND TP.HCM cho rằng, việc xây dựng phương án tài chính, huy động vốn sẽ phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả tài chính cho dự án. Việc huy động vốn từ khu vực tư nhân cho dự án cũng là khó khả thi nếu khai thác với doanh thu chỉ từ vé mà không có các giải pháp phát triển đô thị xung quanh các đầu mối giao thông dọc tuyến (mô hình TOD).
"Trước mắt, vẫn rất cần đến vai trò dẫn dắt của đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đây vẫn là hình thức đầu tư phổ biến nhất cho dự án này, cần tiếp tục được phát huy trên cơ sở cân đối từ Ngân sách Nhà nước. Đồng thời cần kết hợp đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt với đầu tư phát triển các trung tâm đô thị - nhà ga của dự án theo mô hình TOD. Khoản vốn huy động từ đấu giá đất tại các khu vực được dự kiến sẽ phát triển TOD sẽ có thể góp phần giải quyết một phần không nhỏ “bài toán” về vốn cho dự án", đại diện UBND TP.HCM nêu quan điểm.
Theo phương án đề xuất, tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đoạn qua địa bàn TP.HCM gồm các đoạn đi trên cao (tổng cộng khoảng 11,94 km) kết hợp các đoạn đi trên mặt đất (tổng cộng khoảng 24,34 km); tuyến đi qua các khu vực đô thị, dân cư đông đúc hoặc các khu vực đang tiếp tục trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Dự án đi qua các khu vực có 22 đồ án quy hoạch phân khu (3 đồ án trên địa bàn thành phố Thủ Đức, 11 đồ án trên địa bàn quận 12, 33 đồ án trên địa bàn huyện Hóc Môn, 44 đồ án trên địa bàn quận Bình Tân và 1 đồ án trên địa bàn huyện Bình Chánh). Hướng tuyến cụ thể của dự án có sự sai khác so với một số đồ án quy hoạch phân khu đang được các địa phương quản lý.
Theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2030, ngoài mạng lưới đường sắt hiệnn hữu, đến năm 2030 cả nước sẽ có thêm 7 tuyến đường sắt mới. Trong đó tuyến Tp.HCM – Cần Thơ, từ ga An Bình đến ga Cái Răng, đường đôi khổ ray 1.435mm, chiều dài 174 km. Dự toán ban đầu, tổng vốn đầu tư cho dự án này hơn 200.000 tỷ đồng (tương đương 9 tỷ USD).