Làm rõ cơ sở các mức tăng lương với các nhóm đối tượng?

Chiều 25.6, thảo luận tại Tổ 9 về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024, các ĐBQH đề xuất cần làm rõ một số vấn đề, trong đó có quy định tăng 15% lương với đối tượng nghỉ hưu.

Tại phiên thảo luận tổ, các ĐBQH cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc sẽ tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2024, tuy nhiên nêu rõ, cần có giải pháp tổng thể cho các vấn đề liên quan, từ đó tạo sự thống nhất, đồng thuận và tránh nảy sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương.

ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) tham gia đóng góp ý kiến. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) tham gia đóng góp ý kiến. Ảnh: Hạnh Nhung

Tham gia đóng góp ý kiến về nội dung này, ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) nêu vấn đề, chúng ta hiện đã thực hiện trên 4/6 nội dung theo đề án cải cách chính sách tiền lương và có 2 nội dung chưa thực hiện (xây dựng vị trí việc làm và xây dựng bảng lương mới).

Trong 4 nhiệm vụ đã thực hiện, theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam, đối với lương hưu đề xuất tăng 15% thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ với nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn, với nhóm nghỉ hưu trước năm 1995, hiện đang đề xuất mức tăng 3,2 triệu đồng; đối với nhóm hưởng lương chưa tới 3,2 triệu đồng sẽ tăng lên 3,5 triệu đồng (tăng 300.000 đồng).

Tuy nhiên, với mức sống thực tế hiện nay thì số tiền này thật sự rất khó khăn và cần có sự chia sẻ, đại biểu thẳng thắn.

Với nhóm đối tượng thứ hai là nhóm trợ cấp xã hội, Chính phủ đề xuất tăng 38,9%. Đây là tỷ lệ rất cao, nhưng thực tế mức sống của người dân lại thấp, bởi họ thuộc nhóm người nghèo không có khoản trợ cấp nào ngoài trợ cấp này.

Do đó, đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị, Chính phủ cần có sự quan tâm đối với nhóm hưu trí, đặc biệt là nhóm nghỉ hưu trước năm 1995 và nhóm trợ cấp xã hội để có điều chỉnh phù hợp với mức sống thực tế hiện nay.

Đồng thời, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tinh giảm biên chế, sắp xếp lại các vị trí việc làm thông qua trách nhiệm công vụ để tiến tới thực hiện thêm 2 nhiệm vụ mà hiện chưa thực hiện được.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề xuất cần tách riêng chi bảo đảm xã hội và chi đề án cải cách tiền lương, không nên gộp chung như đề xuất, để có sự phân định nguồn lực rõ và sâu sát hơn. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần quan tâm hỗ trợ các địa phương còn khó khăn, phụ thuộc vào ngân sách.

ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị làm rõ cơ sở xây dựng tỷ lệ phần trăm tăng lương đối với các nhóm đối tượng. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị làm rõ cơ sở xây dựng tỷ lệ phần trăm tăng lương đối với các nhóm đối tượng. Ảnh: Hạnh Nhung

Cơ bản đồng tình với các nội dung của Chính phủ, song ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị làm rõ một số nội dung.

Trước hết là về cơ sở xây dựng tỷ lệ phần trăm tăng lương với các nhóm đối tượng. Ví dụ, cán bộ, công chức tăng 30%, người nghỉ hưu tăng 15%, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 6% là dựa trên cơ sở nào?

Thứ hai, cần sớm có văn bản hướng dẫn kịp thời trong thực hiện 10% đối với quỹ tiền thưởng, vì nếu không sẽ rất khó thực hiện đúng theo tinh thần "tiền thưởng kèm theo lương".

Nhiều ĐBQH cũng thống nhất, đối vớinhóm hưởng lương hưu chỉ tăng 15% cần làm rõ vì sao đề xuất mức này một cách rõ ràng, rành mạch để bảo đảm nguyên tắc điều chỉnh lương hưu phải bảo đảm tương quan cân đối, hài hòa, công bằng, bình đẳng, tạo sự đồng thuận nhất trong người dân.

ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội cần quy định rõ việc sử dụng 10% quỹ khen thưởng. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội cần quy định rõ việc sử dụng 10% quỹ khen thưởng. Ảnh: Hạnh Nhung

Liên quan đến quỹ khen thưởng 10%, theo ĐBQH Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh), trong Nghị quyết của Quốc hội cần quy định rõ dùng 10% quỹ lương cơ bản, thẩm quyền giao cho người đứng đầu để khen thưởng, thúc đẩy người lao động thì thực hiện như thế nào để bảo đảm hiệu quả. Và nên đặt thời hạn thực hiện ngay trong Nghị quyết của Quốc hội sớm nhất trong vòng 2-3 tháng (kể từ 1.7.2024).

“Sau khi thực hiện Nghị quyết cũng cần tổng kết, đánh giá, phân tích rõ, báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương xem xét vấn đề, từ đó rút kinh nghiệm nhằm tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết trong thực tế”, đại biểu Trần Thị Kim Nhung đề nghị.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/lam-ro-co-so-cac-muc-tang-luong-voi-cac-nhom-doi-tuong--i376911/