Làm rõ mô hình 'đầu tư công, quản trị tư' khi thành lập Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội
Nêu ý kiến phản biện, chuyên gia đề nghị khi thành lập Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội và thực hiện mô hình 'Đầu tư công, quản trị tư' hoạt động theo loại hình Công ty cổ phần, nhà nước là UBND TP (đại diện là Sở KHCN) là cổ đông của Công ty, tham gia Hội đồng quản trị, thì số tài sản đã đầu tư có được tính thành giá trị và góp cổ phần vào Công ty hay không?…
Sáng nay, 18/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP thông qua Đề án “Thành lập Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội”.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.
Điều chỉnh cho phù hợp xu thế phát triển
Trình bày dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội Phan Văn Phúc cho biết, việc đầu tư xây dựng Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội đã được TP quan tâm từ nhiều năm nay với Quyết định 1442/QĐ-UBND ngày 26/4/2022, phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội”; Quyết định 1593/QĐ UBND ngày 18/3/2025 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội (giai đoạn 2) của UBND TP Hà Nội.

Quang cảnh Hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức sáng 18/7
Mô hình Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội cần được nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp xu thế phát triển và yêu cầu thực tiễn hiện nay; tận dụng các cơ hội lớn do Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là khung pháp lý đặc thù do Luật Thủ đô mang lại để phát triển thị trường KHCN, bảo đảm tính hiệu quả, bền vững và hội nhập trong dài hạn.
Theo ông Phan Văn Phúc, có thể khẳng định, việc xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội là yêu cầu cấp thiết. Khi Sàn đi vào hoạt động không chỉ có ý nghĩa về mặt quản lý nhà nước, mà còn là công cụ thiết thực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hội nhập công nghệ quốc tế.
Trong dự thảo Đề án đã chỉ rõ mục tiêu, chức năng và đưa ra 3 đối tượng triển khai gồm: đối tượng cung cấp công nghệ, đối tượng có nhu cầu công nghệ, đối tượng quản lý.
Đồng thời đề xuất Sàn hoạt động theo mô hình “Đầu tư công, quản trị tư”: Nhà nước đầu tư hạ tầng và tổ chức hợp đồng thuê thầu tuyển chọn doanh nghiệp vận hành khai thác và cung ứng dịch vụ…

Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội Phan Văn Phúc trình bày các dự thảo
Tạo điều kiện thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Góp ý vào các dự thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội nghị nhận định, việc ban hành Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về việc thông qua đề án thành lập Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội là cấp thiết, vừa để đáp ứng yêu cầu thực tiễn vừa thúc đẩy phát triển thị trường KHCN, tạo điều kiện thương mại hóa sản phẩm KHCN và đổi mới sáng tạo.
TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao lưu quốc tế. Tuy nhiên, KHCN chưa thực sự phát triển mạnh mẽ, đột phá để trở thành động lực chính phát triển KT-XH của Thủ đô. Do đó, HĐND TP Hà Nội tiến hành xây dựng và ban hành Nghị quyết thông qua Đề án thành lập Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội là rất cần thiết, sẽ góp phần quan trọng để thị trường công nghệ Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo chuyên gia này, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết là đúng thẩm quyền đã được Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định. Các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn rõ và khá đầy đủ. Quy trình soạn thảo, ban hành đã được thực hiện tuân thủ theo Luật Ban hành VBQPPL; dự thảo Đề án chuẩn bị khá công phu, chi tiết và đáp ứng được yêu cầu của một đề án để giúp quá trình thực hiện được thuận lợi.


Các chuyên gia, nhà khoa học nêu ý kiến phản biện đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội
Tuy nhiên, Nguyên Thứ trưởng đề nghị dự thảo Đề án làm rõ việc UBND TP đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của Sàn giao dịch công nghệ và sở hữu chúng, khi thành lập Sàn và thực hiện mô hình “Đầu tư công, quản trị tư” hoạt động theo loại hình Công ty cổ phần, nhà nước là UBND TP (đại diện là Sở KHCN) là cổ đông của công ty, tham gia Hội đồng quản trị công ty, thì số tài sản đã đầu tư có được tính thành giá trị và góp cổ phần vào công ty hay không? Cơ sở vật chất do nhà nước đầu tư và làm chủ sở hữu thì được bảo toàn vốn như thế nào, khi xuống cấp thì nhà nước có đầu tư sửa chữa, nâng cấp không?…
Ngoài ra, TS Nguyễn Tiến Dĩnh cũng cho rằng, với dự thảo Nghị quyết, tại Khoản 2 Điều 1 nên bổ sung từ “nhiệm vụ” sau từ “chức năng” cho phù hợp điều khoản. Tại Điều 1 nên đưa thêm một số nội dung khác như cơ cấu tổ chức, mô hình tổ chức, cơ chế tài chính, một số chính sách thu hút KHCN, sản phẩm KHCN lên Sàn… để khẳng định và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
TS. Lê Văn Hoạt, Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP) cho rằng, Đề án và dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị khá công phu, đúng hướng, rõ nội dung, bố cụ hợp lý, phù hợp quy định pháp luật và sát thực tiễn. Dù vậy, cách trình bày một số điểm chưa thật rõ ràng, mạch lạc; có một số nội dung đề xuất đưa vào nghị quyết cần rà soát kỹ hơn.
"Ngoài đề cập các sản phẩm công nghệ, nên bổ sung cả sản phẩm nghiên cứu khoa học, sản phẩm KHCN... Đồng thời, nên xem lại quy định “Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp quản lý sàn (Công ty CP Giao dịch công nghệ Hà Nội) và các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trên Sàn, nhất là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, tổ chức chuyển giao công nghệ”- TS Lê Văn Hoạt nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu, nhà khoa học cũng nêu kiến nghị cần “số hóa” Sàn giao dịch; bổ sung Đề án đào tạo đội ngũ chuyên sâu, ưu tiên thí điểm với ngành công nghệ mũi nhọn như xử lý nước thải, đô thị; cần hỗ trợ thương mại hóa công nghệ, kết nối mạng lưới công nghệ; tăng cường hợp tác nhà nước với tư nhân theo mô hình hợp tác công - tư…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá cao ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và khẳng định TP sẽ chắt lọc các nội dung để đưa vào triển khai, cụ thể hóa những nội dung của Nghị quyết.
Nhấn mạnh chúng ta có sứ mệnh rất quan trọng khi Hà Nội tham gia vào mạng lưới TP sáng tạo của UNESCO và đây là Nghị quyết cá biệt, không phải VBQPPL, nên sẽ thực hiện theo quy trình ban hành Nghị quyết cá biệt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đề nghị, để bảo đảm cho Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội đi vào hoạt động, cần có sự công khai minh bạch, tạo bình đẳng trong tiếp cận thông tin và nêu rõ hơn các chỉ tiêu đánh giá hoạt động của Sàn, tập trung ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm công nghệ.
Bên cạnh đó, quan tâm các vấn đề môi trường, phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và kêu gọi đầu tư, các quy định về giám sát tài sản công khi đưa lên Sàn, nhằm tránh thất thoát lãnh phí. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các sở ngành; bảo đảm hoạt động tốt về cơ chế hợp tác với các sàn giao dịch KHCN của các nước trong đó ưu tiên những nét đặc sắc của Hà Nội; chú trọng đưa công nghệ hiện đại vào Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội; có kênh tiếp cận phản ánh kiến nghị của người dân, nhà khoa học trên địa bàn Hà Nội và cả nước...