Làm rõ nhiều vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm

Trong buổi sáng ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIII, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành đã thực hiện giải trình và trả lời chất vấn nhiều nội dung mà các đại biểu và đông đảo cử tri quan tâm. Báo Thái Nguyên trích đăng một số nội dung được trả lời tại Kỳ họp.

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành tại Kỳ họp. Ảnh: M.H (Mạnh Hùng)

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành tại Kỳ họp. Ảnh: M.H (Mạnh Hùng)

Quyết tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra (*)
Giải trình, trả lời chất vấn về nhiều nội dung quan trọng

Về một số nội dung chất vấn

ĐB Hà Thị Hường (Tổ Phú Lương) nêu thực tế: Hiện, đa số tổ hợp tác, hợp tác xã (THT), (HTX) tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) hoạt động còn hình thức. UBND tỉnh có giải pháp nào để nâng cao chất lượng hoạt động của các THT, HTX?

Ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 509 HTX, 2 liên hiệp HTX, với 42 nghìn thành viên. Trong đó, trên 300 HTX, 1 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Về cơ bản, các HTX nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ, vốn ít, sự liên kết giữa các thành viên chưa chặt chẽ, việc tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các THT, HTX thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020 đã được HĐND tỉnh thông qua. Sử dụng có hiệu quả 10% vốn dự phòng NTM để tập trung đầu tư hạ tầng cho các HTX. Tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho các hộ là thành viên HTX, hướng tới hình thành các mô hình sản xuất tập trung, sản xuất sạch và an toàn. Tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện cho các HTX được tham gia thực hiện các mô hình, dự án. Lồng ghép các nguồn lực để đầu tư cho khu vực kinh tế tập thể, để các HTX cùng với các doanh nghiệp sẽ là thành phần kinh tế dẫn dắt sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.

ĐB Nguyễn Thị Loan (Tổ Đại Từ) chất vấn:Tháng 5-2019, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên giải trình về hiệu quả hoạt động của HTX dịch vụ điện. Đề nghị UBND tỉnh cho biết kết quả thực hiện đối với 3 nội dung đã được kết luận tại Thông báo số 54/TB-HĐND của Thường trực HĐND tỉnh ngày 10/5/2019 và những giải pháp trong thời gian tới.

Theo ông Lê Quang Tiến,Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Ngay khi có thông báo của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho thủ trưởng từng sở, ngành liên quan để tổ chức triển khai thực hiện. UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra công tác quản lý, tài chính, kế hoạch và sử dụng vốn Nhà nước tại 2 HTX; giao Thanh tra tỉnh chủ trì thanh tra, kiểm tra toàn diện đối với HTX dịch vụ điện hoạt động kém hiệu quả, nợ quá hạn để xử lý theo quy định (dự kiến thực hiện trong quý I/2020). Tính đến đầu tháng 12-2019, có 12/19 HTX đã trả nợ, với số tiền gần 2 tỷ đồng; còn 7 HTX dư nợ quá hạn với số tiền khoảng 6,55 tỷ đồng. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động của các HTX này. Những HTX kinh doanh hiệu quả sẽ tiếp tục duy trì theo quy định; những HTX kém hiệu quả sẽ thanh tra để đưa ra biện pháp khắc phục cụ thể. Cùng với đó, sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm của ngành Công Thương trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này và cần sự tích cực vào cuộc của chính quyền cấp huyện, xã trong việc kiểm tra, giám sát đối với các HTX điện theo quy định của pháp luật

ĐB Lê Thị Thu An (Tổ T.P Thái Nguyên) đề nghị cho biết việc thực hiện ủy thác nguồn vốn qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh để thực hiện cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm theo Chỉ thị số 40-CT/TW (CT40) ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng trên địa bàn tỉnh những năm qua như thế nào?

Theo ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Tài chính: Thực hiện CT40 và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, hàng năm, Sở Tài chính đều cân đối một khoản kinh phí ủy thác cho NHCSXH để thực hiện cho vay giải quyết việc làm và các chính sách liên quan đến giảm nghèo của tỉnh. Hiện, ngân sách tỉnh đã chuyển 90,6 tỷ đồng và dự kiến năm 2020 sẽ chuyển thêm 5 tỷ đồng sang NHCSXH tỉnh. Cộng với ngân sách 9 huyện, thành, thị đã chuyển là hơn 5 tỷ đồng, thì tổng số ngân sách đến năm 2020 chuyển ủy thác qua NHCSXH tỉnh sẽ là trên 100 tỷ đồng. So với 10 tỉnh lân cận, Thái Nguyên là tỉnh đứng thứ 2 chuyển kinh phí lớn sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Ngoài ra, Sở cũng đã phối hợp và tham mưu phân bổ kinh phí nhiều chương trình khác (như xây dựng NTM, quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ hỗ trợ HTX) và thực hiện tốt việc hỗ trợ lãi vay các đề án của tỉnh qua NHCSXH để hỗ cho người dân các vùng đặc biệt khó khăn giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.

Mố số chỉ tiêu đề ra năm 2020 giảm

ĐB Ngô Trung Đình (Tổ T.X Phổ Yên) đề nghị làm rõ vì sao một số chỉ tiêu cơ bản của tỉnh năm 2020 như tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP), giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa lại được UBND tỉnh đưa ra thấp hơn năm 2019?

Với nội dung này, ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Giai đoạn 2011-2013, GRDP của tỉnh chỉ đạt mức bình quân là 6,6%. Tuy nhiên, sau khi thu hút được Dự án Samsung và đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được hoàn thành thì từ năm 2014-2019, GRDP của tỉnh đã có bước đột phá (cao nhất vào năm 2015 đạt 33,21%), nhưng đang bị chững lại trong 2 năm gần đây. Năm 2019, ước đạt 9% và tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ. Nguyên nhân là do tổ hợp Samsung và các dự án phụ trợ đã đạt công suất thiết kế và đang gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ thị trường (trong khi tổ hợp Samsung hiện đóng góp tới hơn 90% giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn). Vì thế, dự kiến mức tăng GRDP năm 2020 của tỉnh chỉ là 7,3%; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phấn đấu tăng 8%; giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 7%... Dù vậy, với mức tăng trưởng này vẫn đủ để tỉnh hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.

Về một số nội dung giải trình

Xung quanh những vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư các dự án ngoài ngân sách đầu tư các khu dân cư, khu đô thị từ ngày 1/7/2014 đến ngày 15/11/2017 (trước khi ban hành Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 03/11/2017 của UBND tỉnh về ban hành Quy định một số nội dung về quản lý, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh), ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Đến nay, toàn tỉnh còn 43 dự án nằm trong diện vướng mắc này. Nguyên nhân là do có sự bất cập, chồng chéo giữa các Luật: Đất đai, Xây dựng, Nhà ở, Đầu tư. Tỉnh Thái Nguyên và các địa phương khác đã có văn bản báo cáo các bộ, ngành, Trung ương để xem xét, điều chỉnh. Tuy nhiên, vẫn chưa có phương án giải quyết. Hiện, Sở đã báo cáo UBND tỉnh để trong tháng 12 này sẽ tổ chức họp với các sở, ngành đề xuất phương án giải quyết các dự án này. Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, để các nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.

Giải trình về việc bố trí kinh phí hỗ trợ đối với các xã NTM kiểu mẫu, xã đã đạt chuẩn NTM và xã chưa đạt chuẩn NTM chưa đạt mức tối thiểu theo Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND (NQ47) của HĐND tỉnh và những giải pháp cụ thể của UBND tỉnh trong thời gian tới, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Nguồn vốn để thực hiện Chương trình xây dựng NTM phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư công của Trung ương và của tỉnh. Trong khi theo kế hoạch ban đầu, cả tỉnh chỉ có 60 xã về đích NTM và 3 xã NTM kiểu mẫu, song trong quá trình thực hiện, số xã đăng ký về đích NTM và xã NTM kiểu mẫu tăng mạnh. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư của Trung ương lại giảm so với kế hoạch và vốn của tỉnh phải bố trí để thực hiện nhiều nội dung khác nên chưa thể bố trí đủ cho các xã như NQ47. Mặt khác, có nhiều xã khó khăn nên trong quá trình xây dựng NTM, UBND tỉnh phải bố trí hỗ trợ cao hơn định mức tối thiểu.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ thực hiện phân bổ 67,5 tỷ đồng trong tổng số 95 tỷ đồng tổng nguồn vốn hỗ trợ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM năm 2020 cho các xã theo NQ47. Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu để trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành lại mức quy định hỗ trợ các xã xây dựng NTM cho phù hợp với khả năng của tỉnh.

* Bên lề Kỳ họp, phóng viên Báo Thái Nguyên đã trao đổi với một số đại biểu và cử tri về kết quả của Kỳ họp.

Trả lời chất vấn thẳng thắn, đúng trọng tâm

ĐB Nguyễn Thị Hà (Tổ Đồng Hỷ):Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, tôi đánh giá rất cao nội dung giải trình của UBND tỉnh đối với những chất vấn, kiến nghị của các đại biểu. Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành đã trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm về các vấn đề: Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2019; mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020 của tỉnh; vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp, bố trí ngân sách bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, kịp thời chỉ đạo và hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi; việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn… Bên cạnh đó, các ban của HĐND tỉnh có vai trò rất quan trọng trong việc thẩm tra, đánh giá các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp. Dựa trên những khảo sát, đánh giá từ thực tế tại các địa phương, đơn vị trong tỉnh, các ban của HĐND tỉnh đã đi sâu phân tích về kết quả thực hiện từng chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2019, tham gia ý kiến về những khó khăn, nguyên nhân đạt hoặc không đạt đối với từng chỉ tiêu…

Phản ánh nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân

Cử tri Đoàn Văn Vạn, ở xóm Hòa Khê 1, xã Văn Hán (Đồng Hỷ): Tại Kỳ họp, tôi đánh giá cao chất lượng phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các vấn đề nêu ra được đông đảo cử tri quan tâm, bởi nó liên quan trực tiếp đến đời sống của bà con nhân dân (như vấn đề hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi; giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã tại những xã đạt chuẩn nông thôn mới; việc trích ngân sách ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo...). Các câu hỏi chất vấn phần lớn đều mang tính bao quát, phản ánh được nhiều vấn đề bức xúc ở các địa phương. Trả lời chất vấn, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng đã thẳng thắn chỉ ra những cái được và chưa được, đồng thời đề ra nhiều giải pháp trong thời gian tới...

Nhóm PV (Lược ghi)

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/chinh-tri/lam-ro-nhieu-van-de-dai-bieu-va-cu-tri-quan-tam-267860-97.html