Làm rõ nhiều vấn đề đặt ra đối với 'siêu cảng' Cần Giờ
Đánh giá tác động đối với quy hoạch và hoạt động của các cảng biển tại khu vực, đánh giá về lượng hàng, làm rõ kết nối giao thông… là một vài trong rất nhiều vấn đề cần làm rõ, trước khi hiện thực hóa 'siêu cảng' Cần Giờ.
"Siêu cảng" 6 tỷ USD
"Siêu cảng" Cần Giờ là cách gọi ngắn gọn của Dự án Cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế Sài Gòn tại khu vực quy hoạch khu bến Cần Giờ do Tập đoàn MSC/TIL (tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới) cùng đối tác Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) và Cảng Sài Gòn nghiên cứu, đề xuất.
Dự án có quy mô khoảng 7,2km cầu cảng, tiếp nhận được tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 TEU), công suất thông qua 10 - 15 triệu TEU, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD.
Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư, bắt đầu triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027.
Mới đây, ngày 12/5, UBND TP.HCM đã tổ chức hội thảo "Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ". Sự kiện này được nhìn nhận là nhằm đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa "siêu cảng" mà cụ thể hơn là điều chỉnh thời kỳ quy hoạch đầu tư các cảng mới ở khu vực Cần Giờ từ cảng tiềm năng sang thực hiện ở giai đoạn 2021 – 2030, bổ sung công năng là cảng trung chuyển quốc tế tại khu bến cảng Cần Giờ. Theo UBND TP. HCM, việc điều chỉnh thời kỳ quy hoạch là cần thiết do đến năm 2030 các khu cảng hiện hữu không đáp ứng được nhu cầu hàng hóa thông qua cảng.
Trước đó, kết luận tại cuộc họp với lãnh đạo TP.HCM vào ngày 3/3/2023 về quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 4, quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, định hướng 2050, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang giao Cục Hàng hải Việt Nam kịp thời cập nhật kết quả đề án, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh Quyết định số 1579/2021 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Làm rõ nhiều vấn đề
Đầu tiên là việc đánh giá tác động của việc đầu tư xây dựng khu bến Cần Giờ đến quy hoạch và hoạt động các cảng biển tại khu vực. Trong đó đặc biệt là phân tích, đánh giá kỹ ảnh hưởng của việc đầu tư xây dựng khu bến Cần Giờ đến phân bổ lượng hàng, luồng hàng, tuyến vận tải hàng hải của khu vực và cả nước.
Theo UBND TP.HCM, thời gian qua, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2015 – 2020 là 7,34%; giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến là 5%. Năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM đạt 164,19 triệu tấn, tăng 40,5% so với quy hoạch đến năm 2020 (159,98 triệu tấn), chiếm 23,36% so với sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển cả nước.
Do đó, việc bổ sung quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong giai đoạn 2021 – 2030 là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa ngày càng tăng cao của TP.HCM (theo báo cáo quy hoạch đến năm 2025 là 195 – 204 triệu tấn/năm; đến năm 2030 là 221 – 239 triệu tấn/năm). Đồng thời, tiếp nhận một phần sản lượng hàng hóa khi khu bến trên sông Sài Gòn phải thực hiện di dời.
Một nội dung mà Bộ GTVT cũng đề nghị TP.HCM làm rõ là phân tích, đánh giá về lượng hàng, cũng như những ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của các khu bến cảng, cảng biển lân cận.
Với vấn đề này, theo Công ty CP Cảng Sài Gòn, cảng trung chuyển container quốc tế tại Cần Giờ do Tập đoàn MSC/Til và Cảng Sài Gòn đề xuất với mục tiêu khai thác là hàng trung chuyển quốc tế (khoảng 4,8 triệu Teus vào năm 2030 và khoảng 12,8 – 14,4 triệu Teus vào năm 2050) do hãng tàu MSC (hãng tàu container lớn nhất thế giới) mang từ các nước khác về.
Đồng thời, lượng hàng trung chuyển quốc tế do hãng tàu MSC mang từ các nước khác về dựa trên kế hoạch cũng như chiến lược phát triển đã được MSC nghiên cứu kỹ, được xác định căn cứ vào sự phát triển của hãng tàu với kế hoạch khối lượng container do đội tàu của MSC chuyên chở.
"Kế hoạch đầu tư cảng tại Cần Giờ được phân kỳ trong vòng gần 20 năm (đến năm 2040) qua 7 giai đoạn đầu tư. Kế hoạch này phù hợp với tăng trưởng sản lượng vận tải biển quốc tế của MSC cũng như phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế và hệ thống bến cảng khu vực Cái Mép của Việt Nam. Do đó, gần như không ảnh hưởng đến sự phát triển theo quy hoạch của cảng biển trong khu vực", văn bản của UBND TP. HCM gửi Bộ GTVT nêu.
Trước đó, trong văn bản gửi Bộ GTVT, UBND TP.HCM cũng làm rõ nhiều nội dung như kết nối giao thông đường bộ với khu bến cảng Cần Giờ; đánh giá năng lực thông qua tuyến luồng Vũng Tàu – Thị Vải; lợi ích của quốc gia và các doanh nghiệp liên quan, đánh giá về nhu cầu sử dụng đất và tác động môi trường…