Làm rõ phương án tuyến đường sắt kết nối Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành

Hệ thống đường sắt kết nối giữa hai Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành bao gồm tuyến đường sắt đô thị số 6, tuyến đường sắt đô thị số 2 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính vừa có công văn số 5568/BTC – ĐT gửi Bộ Xây dựng tham gia ý kiến về đường sắt kết nối giữa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Bộ Tài chính, tại công văn số 2870/VPCP-CN ngày 4/4/2025, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đề nghị Bộ Xây dựng đề xuất cụ thể phương án tuyến đường sắt kết nối giữa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo nguyên tắc hướng tuyến ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 545/TB-VPCP ngày 4/12/2024 của Văn phòng Chính phủ.

Tuy nhiên, tại công văn số 583/BXD-KHTC ngày 18/3/2025, Bộ Xây dựng đề xuất phương án kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành thông qua tuyến đường sắt đô thị số 2 và tuyến đường sắt đô thị số 6 kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành; sau đó theo tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành để kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

“Đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo rõ đề xuất phương án tuyến đường sắt kết nối giữa hai Cảng hàng không quốc tế đã đảm bảo theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 545/TB-VPCP ngày 4/12/2024 hay là phương án tuyến mới”, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu rõ.

Về cơ quan chủ quản tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung các nội dung làm rõ cơ sở pháp lý và trình tự thủ tục của việc giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành và đánh giá tác động của việc chuyển cơ quan chủ quản đầu tư đến việc thực hiện dự án cũng như đề xuất phương án quản lý vận hành khai thác sau khi tuyền đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành hoàn thành đưa vào vận hành khai thác đảm bảo hiệu quả, đồng bộ.

Trong trường hợp UBND TP.HCM được giao là cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai căn cứ theo quy định Luật Đầu tư công và pháp luật khác có liên quan để thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành.

Do tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành được xác định thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia nên Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng căn cứ các quy định về đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị được quy định tại Luật Đường sắt và các quy định pháp luật về quy hoạch để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc điều chỉnh tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành vào quy hoạch đường sắt đô thị TP.HCM.

Bộ Xây dựng cũng được khuyến nghị phối hợp với UBND TP.HCM đánh giá tác động việc bổ sung tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành vào quy hoạch đường sắt đô thị TP.HCM đến tiến độ đầu tư xây dựng dự án, làm rõ khả năng cân đối vốn để thực hiện dự án, làm cơ sở để các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Được biết, tại Thông báo số 545, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) khẩn trương nghiên cứu phương án giao thông kết nối bằng đường sắt hoặc tàu điện ngầm theo hướng tuyến ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2025.

Trước đó, tại công văn số 583, Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành, để sớm hoàn thiện phương án kết nối giữa hai cảng hàng không quốc tế và nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành vào trong quy hoạch đường sắt đô thị TP.HCM, bổ sung tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành vào danh mục dự án kèm theo Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất giao UBND TP.HCM làm việc, thống nhất với UBND tỉnh Đồng Nai về việc giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản Dự án để báo cáo Thủ tướng quyết định theo quy định tại Điều 30 Luật Đầu tư công.

Trong trường hợp được giao làm cơ quan có thẩm quyền UBND TP.HCM tiếp nhận toàn bộ kết quả nghiên cứu hiện có của dự án tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành để tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư.

Thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBND TP.HCM nghiên cứu tuyến đường sắt kết nối giữa hai Cảng hàng không quốc tế trong hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, theo đó quy hoạch 2 tuyến.

Một là, tuyến đường sắt đô thị số 6 kết nối với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (nút giao Phú Hữu); sau đó dùng chung hạ tầng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối tới Cảng hàng không quốc tế Long Thành; lộ trình đầu tư trước năm 2030.

Hai là, tuyến đường sắt đô thị số 2 kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến ga Thủ Thiêm sau đó theo tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành để kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành; lộ trình đầu tư trước năm 2030.

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay quy hoạch TP.HCM đã xác định tuyến đường sắt đô thị số 6 và tuyến đường sắt đô thị số 2 do UBND TP.HCM chủ trì đầu tư; riêng tuyến Thủ Thiêm - Long Thành là đường sắt đô thị đang giao Bộ Xây dựng đầu tư. Cả hai tuyến đường sắt đô thị kết nối nói trên đều có sử dụng chung đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành do Bộ Xây dựng chủ trì đầu tư.

“Để bảo đảm tổ chức khai thác kết nối thẳng giữa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án này đòi hòi phải đầu tư hoàn thành đồng thời, cùng công nghệ và việc tổ chức vận hành khai thác phải được giao cho một chủ thể duy nhất để tổ chức chạy tàu thuận lợi, hiệu quả, điều hành tập trung, thống nhất đồng bộ”, Bộ Xây dựng phân tích.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lam-ro-phuong-an-tuyen-duong-sat-ket-noi-san-bay-tan-son-nhat-va-san-bay-long-thanh-d278865.html