Làm rõ quy định 'dao là vũ khí thô sơ có tính sát thương cao'

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 24-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Thảo luận về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), thiếu tướng Nguyễn Sĩ Quang, Giám đốc Công an tỉnh, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, qua tổng kết 5 năm thi hành luật, trong tổng số 28.715 vụ đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản… thì có hơn 88% đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án (riêng đối tượng, sử dụng các loại dao gây án chiếm hơn 66%).

Nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) giết người với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man; tình trạng đối tượng là thanh, thiếu niên tập hợp thành các băng, nhóm, tự hoán cải các loại dao sắc, nhọn, hàn thêm tuýp sắt dài từ 1-2m để giải quyết mâu thuẫn, thanh toán lẫn nhau, gây rối trật tự công cộng, đe dọa người dân, gây bức xúc dư luận xã hội.

Riêng trên địa bàn Đồng Nai, trong số 468 vụ liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì có 313 vụ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra các án như: giết người, cố ý gây thương tích, cướp, cướp giật tài sản, gây rối trật tự công cộng... (chiếm gần 67%).

Theo đại biểu, dao có tính sát thương cao, là phương tiện lưỡng dụng, được người dân sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Do đó, dự thảo luật chỉ quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí khi đối tượng sử dụng vào mục đích trái pháp luật; trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Quy định như vậy là rất hợp lý, không ảnh hưởng, tác động đến đời sống xã hội.

Theo ĐBQH Trịnh Xuân An, điểm b, Khoản 4, Điều 3 quy định về dao là vũ khí thô sơ có tính sát thương cao cần giải thích rõ về từ ngữ để tách biệt với dao sử dụng trong sản xuất, sinh hoạt.

Tại Điều 20 quy định, đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng thì cần phải xem xét lại việc trang bị vũ khí cho lực lương an ninh hàng không vì lực lượng này vốn không do nhà nước quản lý.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường cho rằng, vũ khí thô sơ như dao có tính sát thương cao nên cần xác định rõ quy định khi sử dụng như thế nào thì vũ khí có tính sát thương cao, là công vụ hỗ trợ để xác định rõ tội danh khi xảy ra vụ việc.

Đối với Luật Cảnh vệ, theo Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường, luật cần bổ sung nội dung các đối tượng bảo vệ thuộc Luật Cảnh vệ phải chấp hành và tuân thủ nghiêm theo quy định của luật để tránh trường hợp gây khó khăn cho lực lượng cảnh vệ trong thực thi nhiệm vụ.

ĐBQH Lê Hoàng Hải thì cho rằng dự thảo luật chỉ bổ sung cho lực lượng cảnh vệ Công an nhân dân, do đó cần bổ sung các nhiệm vụ cho lực lượng cảnh vệ Quân đội nhân dân để có sự thống nhất giữa 2 lực lượng cảnh vệ của công an và quân đội.

Thanh Hải (tổng hợp)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202405/lam-ro-quy-dinh-dao-la-vu-khi-tho-so-co-tinh-sat-thuong-cao-39449e8/