Làm rõ quy mô, kết cấu để phục hồi Đại Cung Môn
Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn (Đại Nội Huế). Qua đó có thêm các thông tin khoa học về quy mô và kết cấu để tiến hành phục hồi di tích này.

Hiện trường khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn (phía trước là di tích điện Thái Hòa)
Đại Cung Môn là cửa chính của Tử Cấm Thành, được xây dựng từ thời vua Minh Mạng. Đại Cung Môn nằm trên trục thần đạo của Kinh thành Huế, phía Nam là điện Thái Hòa, phía Bắc là sân bái mạng rồi đến điện Cần Chánh. Công trình này bị phá hủy vào năm 1947, chỉ còn lại phần nền móng.
Bộ VHTTDL đã cho phép Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn với diện tích 60m2.
Theo ghi nhận tại hiện trường ngày 10.4, trên khu vực nền Đại Cung Môn hiện tại (với diện tích khoảng 23mx12m), đơn vị chuyên môn đã mở nhiều hố khai quật ở các góc khác nhau, có các hố sâu hơn 1m - 1,2m.
Công tác khảo sát địa tầng, thu thập các hiện vật, dấu tích tại khu vực khảo cổ đang được tiến hành. Dự kiến một tuần nữa, sẽ hoàn thành các công việc của khảo cổ tại hiện trường.
Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, số hố đào nhiều hơn kế hoạch ban đầu do phụ thuộc vào tình hình thực tế.
Tuy nhiên về cơ bản diện tích khai quật khảo cổ cũng khoảng 60m2. Có một số hố diện tích rộng hơn là hố đào thăm dò. Việc đào thăm dò này để có thêm những thông tin khoa học về quy mô, kết cấu của công trình Đại Cung Môn xưa, nhằm phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo.
Có những chỗ bị phá, những vị trí mà trước đây chưa trù liệu thì cần phải đào thăm dò lại, như ở vị trí góc Đông Nam (hiện không còn), hay góc Đông Bắc của công trình di tích…
“Hiện vật thu giữ được trong đợt khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn không nhiều, do ở đây từng bị xáo trộn, đặc biệt sau năm 1947 công trình bị phá hủy nhiều. Dự kiến đến ngày 17.4, công tác khảo cổ tại Đại Cung Môn sẽ hoàn tất”, ông Nguyễn Ngọc Chất thông tin.
Đại Cung Môn là công trình mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đối với khu vực Tử Cấm Thành nói riêng và Quần thể di tích Cố đô Huế nói chung. Đại Cung Môn có 5 gian, trổ 3 cửa, trong đó cửa chính giữa dành cho vua.
Công trình này được thi công cực kỳ tinh xảo, mặt trước (hướng ra điện Thái Hòa) được làm hoàn toàn bằng gỗ, sơn son thếp vàng, các ô hộc trang trí các đề tài cổ điển xen lẫn với thơ văn.

Cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện công việc tại hiện trường khai quật khảo cổ
Mặt sau của Đại Cung Môn có hai cánh hành lang lợp ngói thanh lưu ly, kết nối với nhà Tả Vu và Hữu Vu. Cuối năm 2024, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) đã có Nghị quyết số 91 thông qua chủ trương đầu tư dự án “Phục hồi di tích Đại Cung Môn”. Dự án sẽ triển khai trong vòng 4 năm, với kinh phí gần 65 tỉ đồng từ ngân sách địa phương.
Việc thực hiện tu bổ, phục hồi công trình có vai trò quan trọng và ý nghĩa lớn trong quá trình phục hồi đầy đủ diện mạo kiến trúc khu di tích Đại Nội Huế. Đồng thời, góp phần phát huy giá trị di sản hiệu quả và khai thác dịch vụ du lịch, học tập và nghiên cứu.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, hiện nay đơn vị đang thực hiện các thủ tục theo quy định để triển khai dự án phục hồi Đại Cung Môn. Phấn đấu cố gắng năm 2025 này sẽ khởi động dự án.
Theo chủ trương đã được phê duyệt, dự án sẽ tập trung các hạng mục như tu bổ phục hồi phần nền móng công trình bằng gạch vồ, chân tảng cột đá thanh; chống ẩm và chống mối nền, lắp đặt hệ thống chống mối, phục hồi nền; bậc cấp lát đá thanh; tường xây gạch vồ trát vữa tam hợp, bả màu truyền thống.
Phục hồi phần chính của Đại Cung Môn với kết cấu bộ khung gỗ, mái, vách ván, liên ba đố bản, cửa bằng gỗ nhóm II. Các cấu kiện được chạm khắc hoa văn, sơn son thếp vàng; các cấu kiện gỗ được bảo quản chống ẩm và chống mối gỗ.
Mái lợp ngói âm ống Hoàng lưu ly, phục hồi bờ mái, đầu hồi ô hộc khảm sành sứ các hoa văn trang trí và phục chế pháp lam, đỉnh bờ nóc bờ quyết gắn các con giống bằng pháp lam.
Phần tiếp giáp với hai mái của hành lang hai bên được xử lý chống thấm; đòn tay, rui và ngói lợp của hai hành lang tu bổ phục hồi để đấu nối vào tường đầu hồi của Đại Cung Môn.
Đồng thời, dự án cũng sẽ tu bổ, phục hồi sân trước, sân sau, hệ thống lan can và bình phong sau Đại Cung Môn; cũng như tôn tạo hệ thống điện chiếu sáng công trình và chiếu sáng nghệ thuật nội thất và ngoại thất…