Làm rõ tính khả thi nguồn đối ứng của địa phương đối với dự án cao tốc
Trong phiên thảo luận chiều 25.5, tại Tổ 6 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai) các đại biểu đồng tình với chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (ĐắK Nông) – Chơn Thành (Bình Phước). Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ tính khả thi nguồn đối ứng của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án cao tốc.
Các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là rất cần thiết, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng cũng như của riêng 2 địa phương.
Đóng góp ý kiến vào nội dung này, đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) cho rằng: hồ sơ của Chính phủ trình rất công phu, chi tiết. Nguồn vốn đề xuất thực hiện dự án từ ngân sách trung ương, địa phương và nguồn đầu tư theo phương thức đối tác công tư (BOT). Song, đại biểu băn khoăn, mặc dù đã có cam kết của các địa phương về tiến độ, nguồn vốn đối ứng nhưng 2 địa phương này hiện chưa tự cân đối được ngân sách, hàng năm vẫn nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Do vậy, việc cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương như dự kiến sẽ rất khó khăn. Nhấn mạnh điều này, đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể hơn, tránh tình trạng sau một thời gian triển khai lại chuyển sang nguồn vốn trung ương.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh phân tích, phương án tính toán tài chính, thu hồi vốn của dự án theo phương thức đầu tư này dựa trên lưu lượng xe. Lấy dẫn chứng từ cao tốc Lạng Sơn, lưu lượng xe thực tế chỉ bằng 1/3 so với dự kiến ban đầu. Do đó, khả năng thu hồi vốn là vô cùng khó khăn. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, trong hồ sơ trình Quốc hội, Chính phủ cần tính toán lưu lượng xe phù hợp, sát thực tiễn, Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi từ nguồn vốn đầu tư BOT.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai)khẳng định, dự án cao tốc được triển khai, hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Tuy nhiên, ngoài vấn đề nguồn vốn đầu tư cho dự án, trong báo cáo của Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan khi chậm tiến độ.
Liên quan đến phương thức đầu tư BOT, đại biểu Long nhận định: Theo báo cáo của Chính phủ, vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 12.770 tỷ đồng, chiếm 50% tổng mức đầu tư dự án. Thời gian qua, các dự án đường bộ đầu tư theo phương thức BOT đều gặp khó khăn trong huy động vốn, trong khi nguồn vốn nhà đầu tư thu xếp là khá lớn. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, đề nghị Chính phủ cần thống nhất chặt chẽ với nhà đầu tư trong việc huy động vốn cho dự án.