Làm rõ tính khả thi quỹ bảo tồn di sản văn hóa

Chiều 18/6, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Tờ trình nêu rõ, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 09 chương 102 điều, tăng 02 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Quan điểm sửa đổi Luật di sản lần này là kế thừa, phát triển những quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ.

Báo cáo thẩm tra cho thấy, so với Luật Di sản văn hóa hiện hành, dự thảo Luật chuyển từ quy định “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu nhà nước” thành “Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân”. Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ chưa đề cập lý do sửa đổi các hình thức sở hữu di sản văn hóa, chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu. Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình nội dung này; đồng thời quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có). Về xếp hạng bảo tàng, đề nghị làm rõ mục đích, sự cần thiết của việc xếp hạng bảo tàng công lập, bảo tàng ngoài công lập, các chính sách cho việc xếp hạng bảo tàng. Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ sự cần thiết, cơ sở thành lập và đánh giá kỹ tác động, tính khả thi của việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

Phan Hằng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/lam-ro-tinh-kha-thi-quy-bao-ton-di-san-van-hoa-226106.htm