Làm rõ trách nhiệm khi phải điều chỉnh tăng số vốn lớn

Đại biểu Nguyễn Hải Hưng (Hải Dương) đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức dẫn đến việc tăng vốn đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Ngày 21/5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội Hải Dương thảo luận tại tổ.

Góp ý về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1, đại biểu Nguyễn Hải Hưng, Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị cần làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân khi dự án phải điều chỉnh tăng vốn đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Hải Hưng cho rằng Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 mới được Quốc hội thông qua nghị quyết ngày 16/6/2022 với tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng. Nay đã đề nghị tăng 3.714 tỷ đồng lên 21.551 tỷ đồng, trong đó có tới 3.227 tỷ đồng để chi cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là số vốn lớn.

Chính phủ đưa ra 3 nguyên nhân chủ quan khiến dự phải điều chỉnh tổng mức đầu tư là: Chưa lường hết tốc độ đô thị hóa; tính toán chi phí dự phòng chưa sát và chưa xác định chính xác cơ cấu diện tích các loại đất.

Tuy nhiên, đại biểu Hưng cho rằng đánh giá về những nguyên nhân trên này chưa khách quan, phải nhìn thẳng vào trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác chuẩn bị đầu tư vì thời gian tới Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư rất nhiều các dự án lớn.

“Chúng ta cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức dẫn đến việc tăng vốn đầu tư dự án như trên. Ví dụ tôi thấy nguyên nhân chưa lường trước được tốc độ đô thị hóa của các địa phương là chưa thỏa đáng. Vì chúng ta mới ban hành nghị quyết chủ trương đầu tư từ tháng 6/2022 đến nay có mấy năm thì làm gì đến mức đô thị hóa nhanh như thế”, đại biểu Hưng nêu ý kiến.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng để tránh lặp lại việc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án sau này trong thời gian ngắn, nghị quyết của Quốc hội cần bổ sung nội dung yêu cầu Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong thực hiện chuẩn bị đầu tư dẫn đến chậm tiến độ và phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.

Tránh trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực trong phát triển nhà ở xã hội

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị phải nâng cao năng lực của nhà đầu tư để bảo đảm chất lượng các dự án nhà ở xã hội, bảo đảm quyền lợi của người dân, các đối tượng thụ hưởng. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị phải nâng cao năng lực của nhà đầu tư để bảo đảm chất lượng các dự án nhà ở xã hội, bảo đảm quyền lợi của người dân, các đối tượng thụ hưởng. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá đây là chính sách mới, lớn và có tác động sâu rộng đến nguồn lực nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị bổ sung quy định giao cho Chính phủ có trách nhiệm xây dựng cơ chế phòng ngừa sơ hở, tiêu cực, tham nhũng, tránh trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở xã hội.

Đại biểu Sơn cũng đề nghị Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với cái kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bởi tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trong dự thảo nghị quyết còn chưa rõ và chưa thể hiện rõ được vai trò, năng lực của nhà đầu tư khi được lựa chọn tham gia đầu tư nhà ở xã hội.

“Thời gian qua, cử tri phản ánh nhiều về chất lượng nhà ở xã hội. Tôi tham gia Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhà ở xã hội thì thấy chất lượng nhà ở xã hội còn thấp và chưa bảo đảm yêu cầu. Vì vậy cần nâng cao năng lực của nhà đầu tư để bảo đảm chất lượng các dự án nhà ở xã hội, bảo đảm quyền lợi của người dân, các đối tượng thụ hưởng”, đại biểu Sơn nêu ý kiến.

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/lam-ro-trach-nhiem-khi-phai-dieu-chinh-tang-so-von-lon-412123.html