Làm rõ vấn đề dịch vụ tài chính phái sinh trong Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)
Chiều 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận hội trường, vấn đề được các đại biểu đề nghị làm rõ là nội dung về dịch vụ tài chính phái sinh trong Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi).
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) nêu ý kiến, cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, cải cách thủ tục quản lý thuế và tạo môi trường pháp luật thống nhất, đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế, khắc phục những bất cập của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
“Tại điểm g khoản 9 quy định dịch vụ tài chính phái sinh, bao gồm hoán đổi lãi suất, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai... theo quy định của pháp luật, quy định này chưa đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và có thể gây ra cách hiểu không thống nhất trong việc áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng. Bởi, ngoài lĩnh vực ngân hàng, các sản phẩm giao dịch, công cụ phái sinh còn hiện diện trong các lĩnh vực chứng khoán thương mại…”, đại biểu Trần Văn Tiến cho hay.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, mục tiêu sửa đổi thuế giá trị gia tăng lần này không nên đặt mục tiêu nhằm tăng thu ngân sách. Theo thống kê của cơ quan quản lý thu thuế, thu về thuế trị gia tăng luôn chiếm tỷ trọng cao, chiếm 1/4 tổng thu thuế, tổng thu ngân sách và tỷ lệ huy động từ thuế giá trị gia tăng của Việt Nam thuộc nhóm tỷ lệ cao so với các nước ở trong khu vực. Hai chỉ số đánh giá mức độ huy động thuế là năng suất thu, hiệu suất thu thuế gia tăng ở Việt Nam đều cao và điều đó thể hiện việc thu thuế giá trị gia tăng hiệu quả.
“Thuế suất hiện nay là 10%, nếu so với các nước EU hoặc nhiều nước phát triển không cao, nhưng so với một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc... tương đương. Mặc dù thuế giá trị gia tăng đánh thuế vào người tiêu dùng cuối cùng, không đánh vào người sản xuất, song khi đánh vào người tiêu dùng, giá trị hàng hóa tăng lên và mức tiêu thụ hàng hóa sẽ giảm, nhất là trong bối cảnh thu nhập bình quân hiện nay đang thấp, ảnh hưởng đến người sản xuất", đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết.
Do vậy, đại biểu đề nghị không nên tính đến chuyện tăng thu bằng việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng. Nếu muốn tăng thu ngân sách, nên tính đến 2 sắc thuế cần thiết là thuế tài sản và thuế bảo vệ môi trường.
“Luật Thuế lần này có quy định về các dịch vụ tài chính phái sinh thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Bởi lẽ, chi phí dịch vụ tài chính phái sinh không làm tăng giá trị sản phẩm, không thể tính vào giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, trong dự thảo luật, quy định còn thiếu, chưa đầy đủ, mới dừng lại ở nhóm của các ngân hàng, còn các dịch vụ tài chính phái sinh ở lĩnh vực chứng khoán, giao dịch hàng hóa... chưa được đề cập đủ”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kiến nghị sửa đổi điểm (g) khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) về nội dung dịch vụ phái sinh bao gồm: Hoán đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn mua, bán ngoại tệ; dịch vụ phái sinh khác theo quy định của pháp luật.
Theo đại biểu, hiện nay, theo quy định tại Điều 64 Luật Thương mại và thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay, dịch vụ phái sinh trong lĩnh vực thương mại, bao gồm: Hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn, là những dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Do đó, cần bổ sung thêm dịch vụ phái sinh là “hợp đồng quyền chọn" vào điểm g khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật để đảm bảo tính đầy đủ, rõ ràng và đồng bộ với quy định của Luật Thương mại.