Làm sạch địa bàn, không để trẻ em, người khuyết tật bị trục lợi hành nghề ăn xin
Khu vực Công viên 23/9 tại quận 1, TP Hồ Chí Minh, thường tập trung nhiều người vô gia cư, lang thang xin ăn trên địa bàn. Hai ngày nay, lực lượng chức năng thành phố đã tăng cường kiểm tra giấy tờ tùy thân của một số người nghi ngờ bất thường hay ngồi ở khu vực ghế đá, mái hiên. Tại đây, những người này được cho ăn bánh, uống sữa và xác minh thông tin lý lịch để phân loại.
Thượng úy Nguyễn Minh Tuấn, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trong quá trình thu dung về, chúng tôi sẽ chia ra các trường hợp. Trường hợp lang thang cơ nhỡ không có nơi ở cố định tại thành phố thì sẽ được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cử nhân viên hỗ trợ chăm lo. Còn đối với các trường hợp có sử dụng ma túy thì sẽ thực hiện đưa đi cai theo quy định của pháp luật…”. Bên cạnh đó, những trường hợp chưa có giấy tờ tùy thân thì sẽ được cơ quan chức năng hỗ trợ làm giấy tờ tùy thân.
Trong ngày cao điểm (chiều 16/6), các lực lượng của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH phối hợp với Công an quận 1, Đoàn Công an thành phố và UBND phường Phạm Ngũ Lão tổ chức các tổ công tác rảo quanh nhiều tuyến đường xung quanh và trong Công viên 23/9 để giải quyết, xử lý các trường hợp trẻ em, người lang thang ăn xin, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác. Qua đó, các tổ công tác đã giải quyết và xử lý thu dung 16 trường hợp là người vô gia cư, lang thang. Trong đó có 4 đối tượng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được bàn giao cho cơ sở cai nghiện bắt buộc, 12 trường hợp còn lại được bàn giao cho các cơ sở xã hội chăm lo.
Ông Trương Văn Rin (ngụ quận 12) làm việc tại khu vực trung tâm quận 1, chia sẻ: “Tôi làm việc ở khu vực này cũng lâu rồi. Tôi thấy ở công viên này rất nhiều trẻ em cơ nhỡ, lượm ve chai, bán vé số, và nhiều thành phần phức tạp khác nên bây giờ các cơ quan chức năng và địa phương vào cuộc truy quét, thu dung để giúp đỡ cho không gian ở trung tâm quận 1 được an toàn, thoải mái là rất tốt. Và nếu làm được việc này thường xuyên sẽ giúp cho khu công viên trung tâm thành phố được xanh, sạch, đẹp hơn”.
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Hồ Chí Minh, gần đây tình trạng người lang thang, xin ăn có dấu hiệu xuất hiện trở lại tại thành phố và có xu hướng tăng dần, đặc biệt là khu vực ngoại thành, phần lớn đến từ các tỉnh, thành phố khác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Nhiều người xin ăn giả dạng (bệnh tật, bán vé số, bán kẹo cao su...), lợi dụng trẻ em để xin ăn, một số người khuyết tật, người cao tuổi bán tăm bông..., hoặc chèo kéo du khách (nhất là người nước ngoài), dẫn đến khó khăn cho địa phương trong phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng trên, tác động tiêu cực đến môi trường du lịch của thành phố, gây mất thiện cảm đối với du khách trong và ngoài nước khi đến thành phố tham quan, du lịch, hợp tác kinh doanh.
Đáng chú ý, người nghiện ma túy sống lang thang là nguồn phát sinh tội phạm và gây nguy hiểm cho đời sống cộng đồng. Thời gian qua, thành phố đã thực hiện cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã phát hiện và tập trung hơn 1.500 trường hợp vào các Trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn đối với trẻ em, người lang thang ăn xin.
Theo Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh, trong 5 tháng đầu năm 2024, các tổ công tác trên địa bàn thành phố đã tiến hành thu dung, đưa về các cơ sở bảo trợ xã hội 697 trẻ em, người lang thang xin ăn... và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác. Bình quân, mỗi tháng TP Hồ Chí Minh thu dung gần 140 trẻ em, người lang thang xin ăn.
Cũng theo Sở LĐTB&XH, công tác phối hợp thu dung trẻ em, người lang thang xin ăn được Sở thực hiện ráo riết nhiều năm qua nhưng thực tế vẫn tồn tại tình trạng này trên đường phố. Hiện Sở đang quản lý 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập, 1 cơ sở giáo dục và 1 cơ sở đào tạo nghề, chăm sóc nuôi dưỡng 6.330 người. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 64 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập có giấy phép, đang chăm sóc nuôi dưỡng 2.836 trường hợp.
Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: “Việc thực hiện cao điểm phối hợp tăng cường giải quyết, xử lý các trường hợp tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn thành phố là một trong những điều kiện để chúng ta thực hiện các giải pháp bảo vệ người lang thang, cơ nhỡ, trẻ em trên địa bàn, theo đúng mục tiêu là không để ai bị bỏ lại đi sau. Việc này gắn với việc thực hiện kế hoạch 1878 của Ban chỉ đạo Đề án 06 thành phố (ngày 20/4/2023) là việc cấp mã định danh giấy tờ tùy thân, căn cước công dân cũng như giải quyết cư trú cho những trường hợp là nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn thành phố”.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng quyết liệt xử lý triệt để những tổ chức, đối tượng lợi dụng trẻ em, người khuyết tật, người lang thang để trục lợi cá nhân, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về cư trú trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Nếu phát hiện có dấu hiệu chăn dắt dụ dỗ trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi đi xin ăn để trục lợi thì lực lượng chức năng lập hồ sơ xử lý hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra để tiếp nhận, xử lý. Đồng thời, tòa án sẽ xét xử công khai nhằm mục đích răn đe, giáo dục.