Làm sạch tôm chỉ trong nháy mắt với 2 cách cực dễ dàng
Với mỗi mục đích chế biến món tôm khác nhau mà bạn có cách sơ chế tôm khác nhau. Dưới đây là hai cách làm sạch tôm cơ bản, bạn hãy thử tham khảo ngay nhé.
Cách 1: Sơ chế sạch tôm nhưng vẫn để nguyên con
Bạn cầm con tôm lên, ngón tay trỏ và ngón cái để ở chỗ khớp nối giữa đầu và thân tôm. Gập đầu và mình con tôm lại, dùng ngón cái ấn vào phía đầu chỗ túi phân của tôm sau đó ép túi phân ra. Tiếp đó gỡ túi phân rồi kéo chỉ đen ở mình tôm ra là xong. Sau đó bạn rửa sạch lại tôm như bình thường.
Cách sơ chế sạch tôm nguyên con này rất thích hợp để chế biến các món tôm hấp, tôm xiên nướng…
Cách 2: Sơ chế để lấy phần thịt tôm (tôm nõn)
Với cách sơ chế để lấy tôm nõn này thì tôm sau chế biến thường được sử dụng cho các món xào, món canh hay các món chả tôm, salad…
Bước 1: Tôm rửa sạch, dùng tay vặn đầu tôm và thân tôm cho tách rời nhau.
Bước 2: Dùng một chiếc dao nhỏ và mũi nhọn sắc, đặt phần lưỡi dao hướng lên trên, sau đó lách vào phần vỏ tôm ở gáy lưng rồi cắt một đường dọc theo gáy lưng đến đuôi tôm. Sau đó gỡ bỏ vỏ tôm ra.
Bước 3: Đặt tôm xuống thớt, dùng dao mũi nhọn để gỡ phần chỉ đen trên lưng tôm ra là xong.
Với hai cách sơ chế tôm đơn giản trên đây, tùy theo mục đích chế biến mà bạn có cách sơ chế tôm hợp lý, đơn giản và nhanh gọn nhất nhé.
Tôm là loại hải sản không chỉ ngon miệng mà còn chứa nguồn dinh dưỡng dồi dào được nhiều người yêu thích. Cứ 100g tôm có 18,4g protein, 11.5μg vitamin B12, 2000 mg canxi… Tôm là nguồn cung cấp chất đạm quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Việc bổ sung vitamin B12 từ tôm giúp cơ thể không bị mệt mỏi, chóng mặt hay cơ bắp trở nên yếu ớt. Đồng thời với hàm lượng lớn canxi có trong tôm giúp bổ xung canxi cho cơ thể, đặc biệt tốt đối với người già và trẻ nhỏ. Lượng omega – 3 dồi dào có tác dụng chống lại cảm giác mệt mỏi, buồn chán và trầm cảm, giúp chống oxy hóa, đẩy lùi quá trình lão hóa.
Chúc bạn sơ chế được những con tôm vừa sạch lại ngon miệng nhé!