Làm sao biến 'di sản thành tài sản' mà vẫn phát huy được giá trị bền vững?

Dự án Luật di sản văn hóa (sửa đổi) có điều khoản quy định các tổ chức, cá nhân khi hỗ trợ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản thì sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế, ưu đãi về vốn vay.

Nghề dệt vải lanh của người H'Mông ở Vân Hồ là một trong những nghề truyền thống độc đáo cần được bảo tồn và phát triển. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Nghề dệt vải lanh của người H'Mông ở Vân Hồ là một trong những nghề truyền thống độc đáo cần được bảo tồn và phát triển. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Dự án Luật di sản văn hóa (sửa đổi) đã được trình Quốc hội vào chiều ngày 18/6. Ban soạn thảo đã tiếp thu và lấy ý kiến rộng rãi của các nhân sỹ, trí thức và các tầng lớp xã hội nhằm xây dựng một dự thảo luật tương đối toàn diện. Tuy nhiên, một số vấn đề trong dự thảo đang khiến nhiều đại biểu băn khoăn.

Bên hành làng nghị trường sáng nay, 26/6, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, đã chia sẻ với phóng viên quan điểm nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản trong mối quan hệ hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.

- Nhiều đại biểu Quốc hội hiện đang khá băn khoăn về việc xác định khái niệm di sản trong dự thảo Luật, ví dụ như di sản đô thị, di sản nông thôn hay còn thiếu di sản công nghiệp. Vậy thì việc luật chưa bao hàm hết các khái niệm di sản sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, thưa ông?

Đại biểu Bùi Hoài Sơn: Các khái niệm là vô cùng quan trọng, không phải ngẫu nhiên mà bao giờ phần khái niệm cũng được đặt ở mục đầu tiên. Vì khi chúng ta xác định được các nội hàm khái niệm mới có thể có các chính sách, quy định để ứng xử phù hợp. Ví dụ như rất nhiều đại biểu cũng đã nói về việc trong Luật thiếu vắng một số khái niệm như là di sản đô thị, di sản công nghiệp hay di sản địa chất…

Nếu chúng ta xác định được sự khác biệt giữa các loại hình di sản, ví dụ như di sản đô thị khác với các di sản thông thường như thế nào thì sẽ biết cách ứng xử với di sản này, sẽ tạo điều kiện cho di sản thực sự phù hợp với bối cảnh hiện nay ra sao.

 Di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ đã đến gần hơn với cộng đồng qua các hoạt động biểu diễn, trao truyền và lồng ghép trong các tour du lịch về với quê hương đất Tổ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ đã đến gần hơn với cộng đồng qua các hoạt động biểu diễn, trao truyền và lồng ghép trong các tour du lịch về với quê hương đất Tổ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Đó là lý do vì sao chúng ta phải làm rõ khái niệm, để từ đó làm rõ hơn các điều khoản Luật, hay các chính sách để di sản có thể được tự bảo vệ tốt hơn trong thời gian tới.

- Và rõ ràng như vậy cũng sẽ giúp hình thành được các giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Thưa đại biểu, trong thời gian qua, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chính vì vậy, khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng tham gia vào việc khai thác, bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản là vô cùng cần thiết. Vậy theo ông đánh giá trong dự thảo Luật này đã có những sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách như thế nào để có thể khuyến khích xã hội hóa mà vẫn đảm bảo kết nối đồng bộ với các luật khác?

Đại biểu Bùi Hoài Sơn: Trong việc sửa đổi luật lần này chúng ta cần phải biến di sản thành tài sản, giúp ích cho sự phát triển bền vững. Chính vì thế nên bên cạnh những nguồn lực của Nhà nước chúng ta phải huy động nguồn lực của xã hội. Hiện trong luật có một số điều khoản về huy động nguồn lực này. Ví dụ như tại Điều 7, khoản 7 có nói rằng nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để cho các tổ chức, cá nhân có thể đóng góp đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản hay cho quỹ di sản văn hóa.

Chúng ta cũng có một điều khoản riêng là Điều 85 về việc xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản, trong đó có những điểm mà tôi nghĩ rằng rất tiên tiến, phù hợp với bối cảnh hiện nay. Đó là quy định các tổ chức, cá nhân khi hỗ trợ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản thì sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế, ưu đãi về vốn vay, được hưởng khấu trừ trước hay một số điều kiện thuận lợi khác.

Tất cả những điều này thực sự phù hợp với các quy định trên thế giới, giúp cho chúng ta tạo được sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của xã hội đối với hoạt động quan trọng này.

 Đình Hùng Lô hiện vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc thời Lê gần 400 năm tuổi ở quê hương đất Tổ. (Ảnh: Linh Tâm/Vietnam+)

Đình Hùng Lô hiện vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc thời Lê gần 400 năm tuổi ở quê hương đất Tổ. (Ảnh: Linh Tâm/Vietnam+)

- Vâng, điều này không chỉ khuyến khích các thành phần tham gia mà chính những thành phần đó cũng sẽ được thụ hưởng từ chính sách. Một vấn đề nữa là trước thực trạng nhiều di sản của Việt Nam lâm vào cảnh “sáng mở tối đóng,” gây khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị, thì chúng ra đã có cách tiếp cận mới gần đây là “bắt tay” với công nghệ để số hóa di tích, di sản.

Điều đó đã và đang giúp các di tích, di sản và đặc biệt là du lịch văn hóa có thể trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội. Vậy làm thế nào để có thể hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị của di sản với việc phát huy giá trị kinh tế - xã hội, theo đại biểu?

Đại biểu Bùi Hoài Sơn: Rõ ràng chúng ta đã có sự chuyển đổi tư duy rất lớn. Trước đó, trong thời gian khá dài tư duy của chúng ta mới chỉ dừng ở việc làm sao quản lý cho tốt di tích, mà chưa nghĩ đến việc phát huy những giá trị di tích đó trong sự phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là trong sự phát triển du lịch.

Chính vì thế, trong thời gian vừa qua chúng ta đã bàn rất nhiều đến việc phát triển kinh tế với việc tạo ra các sản phẩm du lịch, như tour đêm ở Hoàng thành, tour đêm ở Văn Miếu hay ở nhà tù Hỏa Lò… Các sản phẩm đã cho thấy chúng ta cần phải phát huy hơn nữa những lợi thế, những giá trị đặc biệt của di sản trong sự phát triển kinh tế xã hội.

Để làm như thế thì chúng ta phải cân bằng một cách hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan. Muốn vậy, phải có đánh giá về những tác động tích cực và tác động tiêu cực đến các bên có liên quan khi chúng ta thực hiện các hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản này. Chúng ta phải lấy cuộc sống, lợi ích của người dân làm trung tâm, để từ đó tiến hành các hoạt động di sản, để chúng có thể trở nên bền vững hơn.

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực xã hội là vô cùng quan trọng. Song, việc huy động nguồn lực xã hội này cũng phải cân bằng lợi ích để tất cả mọi người có được lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Trên cơ sở đó chúng ta mới có thể thu hút được các nguồn lực xã hội và từ đó mới giúp cho Nhà nước, xã hội và các bên liên quan hài hòa, cân bằng lợi ích, giúp cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản thực sự bền vững.

- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của đại biểu./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lam-sao-bien-di-san-thanh-tai-san-ma-van-phat-huy-duoc-gia-tri-ben-vung-post961208.vnp