Làm sao để bảo vệ nguồn nước khi bị khủng bố, phá hoại?
Các quy định về bảo vệ nguồn nước đã đầy đủ nhưng thực tế triển khai đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Chuyên gia cho rằng nguồn nước vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại.
Ngày 31/10, báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm “Giải pháp nào đảm bảo an ninh nguồn nước sạch tại Hà Nội?” nhằm phân tích và cung cấp thông tin về quy hoạch, phân vùng cũng như quá trình bảo vệ nguồn cấp nước sạch tại Hà Nội hiện nay.
Khó khăn trong quản lý nguồn nước
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật Bộ Xây dựng, cho hay Bộ đang tham mưu cho Chính phủ ban hành các định hướng chiến lược, chính sách về nước sạch đô thị.
Tuy nhiên, thực tế quản lý và bảo vệ nguồn nước sản xuất nước sinh hoạt còn nhiều bất cập, nhất là ở cấp chính quyền địa phương.
Trao đổi về những khó khăn trong công tác quản lý, đánh giá sự cố trong bảo vệ nguồn nước, ông Nguyễn Trần Anh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình, cho rằng diện tích sông, hồ khu vực cần bảo vệ quá rộng và chưa có sự phân cấp trách nhiệm hợp lý.
"Riêng hồ Đầm Bài có diện tích lên đến 16,6 km2. Còn sông Đà thì chảy qua 4 tỉnh từ Vân Nam, Trung Quốc, giữ được rất khó", ông Trần Anh chia sẻ.
Nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất và cung cấp nước, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình cho rằng các đơn vị cần đảm bảo chất lượng nước đầu vào và xử lý kịp thời ngay khi phát hiện nguồn nước bị ô nhiễm.
Nguồn nước tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị xâm hại
Ông Phạm Văn Sơn, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, cho rằng sự cố nước sạch sông Đà vừa qua đã cho thấy nguồn nước mặt khu vực này đang đối diện với nhiều nguy cơ bị đầu độc bởi các hoạt động của con người.
Ông cho rằng sông vừa dùng để khai thác nước sinh hoạt, vừa cho phép các hoạt động khác tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Trong đó có các sự cố như tràn dầu, chảy dầu từ các tàu lưu thông trên sông. Hoặc các tàu chở các chất độc hại như xăng dầu va chạm, bị đắm có có thể gây thảm họa môi trường, đầu độc nguồn nước.
Theo ông, Việt Nam cần có các biện pháp, quy định bảo đảm an ninh nguồn nước, đặc biệt là các quy định phòng ngừa khi xảy ra sự cố. Cần hạn chế việc đi lại của tàu bè, hoạt động con người trên các đoạn sông dùng để lấy làm nước nguồn.
Chính quyền địa phương, nhà máy nước cần lắp đặt các thiết bị quan trắc online tự động, liên tục phát hiện sớm các nguồn độc hại trước khi bơm vào hệ thống xử lý.
"Chúng ta không loại trừ nguyên nhân, ngoài sự cố khách quan có thể có cố ý phá hoại. Đặt vấn đề là nếu liên quan đến khủng bố, phá hoại thì hệ thống quan trắc sẽ hỗ trợ chúng ta", ông Sơn phân tích.
Phân tích về trách nhiệm của các bên trong sự cố vừa qua, luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng lãnh đạo Công ty nước sông Đà đã có biểu hiện che giấu, trốn tránh trách nhiệm. Khi một người phát hiện ra sự cố môi trường nhưng không ngăn chặn, không xử lý thì vẫn chịu các trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm của lãnh đạo nhà máy cần được làm rõ để xử lý nghiêm minh hơn, không để xảy ra các tình trạng tương tự.
Còn đối với thiệt hại người dân phải gánh chịu, luật sư Bình cho rằng rất khó để người dân có thể khởi kiện và đòi hỏi bồi thường từ công ty cung cấp nước. Ông đề xuất Bộ Xây dựng cần xây dựng các thông tư để bảo vệ các quyền lợi của người dân được chặt chẽ, nghiêm minh hơn trong xử lý các sai phạm.