Làm sao để không bị sếp gọi trong ngày nghỉ phép?
Thiếu kế hoạch chuẩn bị cụ thể, nhiều người trẻ đành đem theo công việc đi chơi, chấp nhận làm cả trong thời gian nghỉ.
Thanh Hằng (24 tuổi) hiện là Web Designer của một công ty công nghệ. Cô thường làm việc từ thứ hai đến thứ sáu. Công việc vất vả, nhưng phiền hà nhất là vào các ngày nghỉ, Hằng vẫn liên tục bị làm phiền bởi những tin nhắn hỏi việc của sếp.
Nguyên Anh (22 tuổi), Video Editor, cũng gặp vấn đề tương tự. Trong một chuyến đi chơi xa, khi bạn bè tụ tập chơi ma sói, Nguyên Anh lại phải ngồi một mình dựng phim cho kịp thời gian.
Đặc thù công việc của giới trẻ hiện nay khiến họ ngày càng khó tận hưởng một kỳ nghỉ đúng nghĩa.
Theo Harvard Business Review, cứ 10 nhân viên văn phòng lại có 3 người đang làm việc từ 12-15 tiếng mỗi ngày, không phân biệt cuối tuần, ngày lễ, ngày nghỉ phép. Ranh giới này càng trở nên mỏng manh hơn khi Covid-19 tập cho chúng ta thói quen làm việc từ xa.
Nếu bạn muốn có một kỳ nghỉ thoải mái, thư giãn hoàn toàn, hãy sắp xếp công việc hợp lý, rõ ràng trước khi lên đường, theo CBS News.
Chuẩn bị kỳ nghỉ trước ít nhất 3 tuần
"Trước kỳ nghỉ lễ khoảng 2 tuần, tôi thường tranh thủ làm dần công việc, mỗi ngày một ít. Trong trường hợp có nhiều ad-hoc (công việc từ 'trên trời rơi xuống'), tôi sẽ bỏ thêm từ 30 phút đến 1 tiếng để giải quyết chúng dứt điểm trong ngày", Anh Tú (27 tuổi), giảng viên thỉnh giảng đại học, chia sẻ.
"Theo tôi, chuẩn bị càng kỹ sẽ càng tốt cho kỳ nghỉ. Công việc của tôi rất đặc thù, không có ngày nào là ngày nghỉ. Lúc nào khách cũng có thể gọi điện đến, thậm chí đòi sản phẩm trước hạn nộp", Tài Lộc (25 tuổi), quản lý bộ phận Account của một công ty sự kiện tại TP.HCM, cho biết.
Chia sẻ với Zing, nữ quản lý cho biết đây là cách giúp cô thực hiện nhiều chuyến nghỉ phép tại Phú Quốc, Ninh Bình... hay Bali (Indonesia) mà công việc vẫn diễn ra trôi chảy.
Nới deadline tránh xa ngày nghỉ
Trước khi nghỉ, bạn nên dành thời gian xem qua các đầu việc đang đảm nhiệm. Nếu việc nào có thời hạn trước ngày nghỉ phép dự định, hãy ưu tiên hoàn thành. Đồng thời hỏi ý kiến cấp trên xem những ngày bạn nghỉ có trùng với kế hoạch nào khác không.
"Tập chia việc thành hai nhóm 'cần làm trước' và "có thể làm sau' trước mỗi dịp đi xa là cách để tôi đảm bảo không bỏ sót một deadline nào. Ngoài ra, tôi chỉ yên tâm nghỉ ngơi sau khi đã chu toàn mọi thứ", Thanh Hằng nói.
"Từ sau lần trước, tôi luôn cố gắng chỉ nghỉ phép vào thời điểm cả phòng đều rảnh rỗi, như lúc vừa kết thúc một chiến dịch lớn để hạn chế làm việc từ xa", Nguyên Anh nói.
Một cách khác là tránh sắp xếp deadline cận hoặc trùng với các ngày nghỉ.
"Không nên nhận thêm việc trùng vào các ngày nghỉ lễ, không cận ngày trước và sau kỳ nghỉ vì chắc chắn không thể trả được đúng deadline. Nếu cần, hãy buffer (kéo dài thêm thời gian) để có thể sắp xếp ổn thỏa".
Trước kỳ nghỉ lễ khoảng 2 tuần, tranh thủ làm từ từ các tasks, mỗi ngày 1 ít. Còn các ad-hoc tasks thì cố gắng giải quyết trong ngày, có thể thêm thời gian để giải quyết (tăng ca thêm từ 30 phút đến 1 tiếng) giải quyết dứt điểm ad-hoc.
Bàn giao kỹ lưỡng với cả đồng nghiệp và khách hàng
Theo Nguyên Anh, một trong những điều thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đi làm là biết sắp xếp để sự vắng mặt của mình không ảnh hưởng đến công việc chung.
"Tôi sẽ nhờ 1-2 đồng nghiệp 'để mắt' đến công việc khi mình đi vắng. Tôi giới thiệu họ với khách hàng, đồng thời chỉ vị trí lưu các video đã quay, logo, bảng màu... để khi cần là làm được ngay", Nguyên Anh nói.
Trong một bài viết tại trang The Cut, tác giả Alison Green viết: "Nếu đồng nghiệp đã quen với việc tìm đến bạn 24/7, tốt hơn hết bạn nên nói trước với họ một câu đại loại như 'Tôi di chuyển cả ngày, sẽ không kiểm tra email cho đến ngày đi làm lại' để nhắc họ rằng bạn đang trong kỳ nghỉ và không phải lúc nào cũng nên làm phiền".
Không chỉ bàn giao công việc, bạn cần hướng dẫn những người tiếp quản các chi tiết trong công việc đó, và việc này cần chuẩn bị sớm trước khi đi.
"Ngoài họp và bàn giao kỹ lưỡng với đồng nghiệp, tôi cũng có một file về nhân sự sẽ "phục vụ" các đầu việc nào cho khách hàng, sau đó, tôi sẽ cài mail báo nghỉ", Lộc bổ sung thêm.
Tận dụng công nghệ, tránh "độc quyền thông tin"
"Với ngành thương mại điện tử, mọi việc đều gấp rút và thay đổi liên tục nên bạn cần tận dụng mọi ứng dụng nào tiện cho kết nối bằng điện thoại, thậm chí đề xuất sử dụng các ứng dụng đặc thù", Khánh Vy (27 tuổi), nhân viên ngành thương mại điện tử chia sẻ.
Sử dụng các nền tảng đám mây là then chốt trong các ngành cần sự phối hợp nhiều bên, nhất là các ngành liên quan tới Internet hay sáng tạo.
"Các kế hoạch, thông in đều được đăng tải trên cloud. Trong trường hợp bất khả kháng cần thay đổi thì có thể truy cập từ bất cứ đâu, nhân sự cũng có người đồng hành hỗ trợ, chia việc", Khánh Vy nói thêm.
Mạnh dạn biến mất trong chuyến đi
"Mình nghĩ một phần là do bản thân cho phép người khác làm phiền nữa. Cứ mạnh dạn để máy tính ở nhà thì không ai ép mình làm được đâu", Thanh Hằng nói.
Nguyên Anh nhận thấy ngày càng nhiều đồng nghiệp mạnh dạn tắt tin nhắn, email trong những ngày nghỉ. "Nhiều đồng nghiệp của mình sau kỳ nghỉ mới trả lời email, kèm theo câu 'Xin lỗi, mấy hôm nghỉ làm nên mình không đọc'", anh kể lại.
Nếu không thể bàn giao toàn bộ công việc, hãy xếp khung giờ ngắn, cố định trong ngày để xử lý các công việc còn dang dở.
"Do đã cài email báo nghỉ nên tôi ít bị gọi hơn. Trong chuyến đi chơi trước, tôi chỉ kiểm tra hòm thư điện tử khi về khách sạn buổi tối, còn ban ngày chỉ nghe các cuộc gấp. Trong lúc ngắm cảnh, đi bơi, nếu khách gọi không được cho tôi, cuộc gọi sẽ tự động chuyển sang người tiếp quản", Tài Lộc chia sẻ một kinh nghiệm khác.
Giữ liên lạc với đồng nghiệp khi cần thiết
Nên hiểu rằng dù muốn dù không, bạn vẫn luôn có một công việc ở nhà với nhiều vấn đề cần giải quyết kịp thời. Vì vậy, bạn nên cho đồng nghiệp biết cách thức liên lạc phòng khi có chuyện khẩn cấp.
Trong những năm tiếp theo, khi công nghệ càng phát triển, việc giao tiếp giữa con người với nhau lại càng thêm tiện lợi, tạo điều kiện cho công việc tham gia vào đời sống chúng ta hơn nữa.
Tuy nhiên, đi du lịch không nhất thiết lúc nào cũng phải ở trong tâm thế "trốn việc". Chỉ cần sắp xếp hợp lý, có sự trao đổi với người liên quan và ưu tiên cho chất lượng chuyến đi, bạn hoàn toàn có thể có những phút nghỉ ngơi của riêng mình.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-sao-de-khong-bi-sep-goi-trong-ngay-nghi-phep-post1208536.html