Làm sao để không hối hận khi 'dốc cạn ví' săn sale

Những ngày hội sale như Black Friday, đón năm mới luôn khiến nhiều người hào hứng, sau đó lại nhanh chóng hối hận.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy cứ 10 người ở Anh lại có một người hối hận khi mua sắm trong bối cảnh đại dịch. Họ đã chi tiền để mang về nhà thiết bị nhà bếp, bồn tắm nước nóng và cả chó, sau đó nhanh chóng nhận ra mình không hề mong muốn sử dụng.

Theo Channel News Asia, đại dịch Covid-19 khiến nhiều người gia tăng cảm giác muốn mua sắm để tích trữ hoặc đầu tư vào những món đồ đắt tiền. Không còn đi du lịch và ăn uống bên ngoài như trước đây, họ càng muốn dành tiền mua đồ dùng cho bản thân, gia đình.

Hiện tại, khi bước vào cuộc sống bình thường mới, họ lại nhận ra các món đồ đã mua không còn hữu ích hoặc phù hợp với mong muốn. Các ưu tiên trong cuộc sống đang thay đổi và nhu cầu sở hữu vật chất cũng vậy.

 Nhiều người hào hứng mua sắm vào ngày Black Friday. Ảnh: AP.

Nhiều người hào hứng mua sắm vào ngày Black Friday. Ảnh: AP.

Con người thường mua sắm dựa trên nhu cầu sử dụng. Khi mặt hàng đã mua không còn đáp ứng được kỳ vọng hoặc con người mong muốn mua một thứ mới mẻ hơn (mà họ chưa có khả năng sở hữu), họ sẽ rơi vào tâm trạng hối hận, đặc biệt đối với những món đồ đắt tiền.

Trong giai đoạn dịch bệnh, mức độ hối hận khi mua sắm càng cao hơn khi mọi người chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến. Nhận gói hàng chuyển đến trước cửa nhà, nhiều người tràn đầy thất vọng khi sản phẩm không hề như những gì mình tưởng tượng.

 Không ít người hối hận sau khi "dốc cạn ví" săn sale. Ảnh: NBC.

Không ít người hối hận sau khi "dốc cạn ví" săn sale. Ảnh: NBC.

Chúng ta không thể thay đổi những điều đã làm trong quá khứ, nhưng ít nhất, hãy cố gắng đưa ra quyết định tiêu dùng tốt hơn trong tương lai. Đặc biệt, ngay sau Black Friday, hàng loạt đợt giảm giá cho Giáng sinh và năm mới sắp đến.

Theo chuyên gia từ Channel News Asia, có một số cách chúng ta có thể làm để khắc phục cảm giác hối hận khi lỡ "dốc cạn ví" săn sale, mua sắm:

Không mua nếu đắn đo

Nếu bạn đang đắn đo trước một sản phẩm, tốt nhất nên quyết định không mua. Nghiên cứu chỉ ra rằng mọi người thường cảm thấy hối hận khi mua một món đồ hơn là không mua chúng.

Ưu tiên sản phẩm phát triển cá nhân

Hãy ưu tiên sử dụng tiền cho những hạng mục có liên quan đến sự phát triển cá nhân. Khi việc mua hàng được liên kết với các khía cạnh như cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, nghệ thuật, giải trí và giáo dục, mọi người sẽ cảm thấy hài lòng hơn với những gì họ đã mua.

Phòng tránh

Mua sắm vội vàng thường dẫn đến hối hận. Con người có thể rất khó để ngăn cản bản thân trước nhu cầu tiêu xài, nhưng họ có thể giúp mình đề phòng từ trước.

Hãy tránh xa các sự kiện giảm giá, khuyến mãi trực tuyến như Black Friday hoặc đầu năm mới. Trước khi mua sắm, hãy xác định số tiền bạn có thể chi tiêu và những gì bạn muốn sở hữu. Việc lập danh sách và bám sát sẽ giúp người mua tiết kiệm hiệu quả.

Nghĩ đến người khác

Thay vì tập trung mua sắm và đáp ứng mong muốn của bản thân, hãy nghĩ đến việc mua đồ cho người khác. Tặng quà có thể làm hài lòng cả người tặng và người nhận.

Khi Giáng sinh sắp đến gần, mọi người có khả năng chi tiêu nhiều hơn dự định cho quà cáp và thực phẩm. Đây chính là thời điểm tốt để chúng ta suy nghĩ kỹ về những điều có thể làm để tránh khả năng phải hối tiếc khi mua sắm.

Thục Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-sao-de-khong-hoi-han-khi-doc-can-vi-san-sale-post1279887.html