Làm sao để nhà hát luôn sáng đèn?

Đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh bùng nổ các loại hình nghe nhìn, các nhà hát đang trong cuộc vận động để tìm hướng tồn tại và phát triển. Bước chuyển mình trong cách tiếp cận, thu hút và đáp ứng nhu cầu khán giả sẽ giúp sân khấu sáng đèn.

Một cảnh trong vở tuồng “Huyền thoại ngọn đồi đỏ”

Một cảnh trong vở tuồng “Huyền thoại ngọn đồi đỏ”

Tìm lại chính mình

“Khó khăn nhất của chúng tôi là tiếp cận với công chúng. Nghệ thuật sân khấu lâu nay đã rất khó khăn trong vấn đề thu hút khán giả đến các rạp, sân khấu truyền thống còn khó khăn hơn, và loại hình sân khấu Tuồng lại khó khăn nhất. Để hoàn thành nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Nhà hát Tuồng xác định: Việc cần và quan trọng đầu tiên phải làm là tiếp cận được khán giả, đến với khán giả và tìm cách kéo khán giả đến với mình. Khán giả có biết, có hiểu thì mới yêu được Tuồng…” - ông Tạ Văn Sốp - Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết.

Tại một số đơn vị như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam… dù giá vé rất thấp - từ 100.000 đồng - 200.000 đồng - nhưng mỗi suất diễn chỉ bán được vài chục vé, thậm chí có suất chỉ dăm ba người vào xem.

Song song với sự quẫy đạp để tháo gỡ và giài bài toán khó khăn về kinh phí, chất lượng kịch bản, đội ngũ kế cận thì việc quan trọng nhất mà các nhà hát đang tìm cách xoay chuyển là mời khán giả đến, kéo khán giả quay lại với mình.

Trực thuộc sự quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội là 6 đơn vị biểu diễn nghệ thuật gồm Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Hà Nội. Trong số đó, chỉ có Nhà hát Múa rối Thăng Long là “đắt khách” nhờ lợi thế ở giữa tuyến phố trung tâm Hồ Hoàn Kiếm và là loại hình văn hóa đặc sắc được khách du lịch ưa chuộng.

Về sự năng động để đáp ứng nhu cầu của khán giả Nhà hát Múa rối Thăng Long luôn ở vị trí dẫn đầu. Lịch diễn không chỉ được cập nhật trên website và Facebook mà mới đây nhà hát đã áp dụng hệ thống bán vé điện tử. Với hình thức này, khán giả có thể tự chọn ngày, giờ, chỗ ngồi và sau đó thanh toán bằng thẻ ngân hàng.

“Quan âm Thị Kính” vẫn tạo ra sức hút khán giả

“Quan âm Thị Kính” vẫn tạo ra sức hút khán giả

Vượt sóng cạnh tranh

Trước sức ép bùng nổ các show âm nhạc, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã chuyển hướng sang dàn dựng các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, hấp dẫn. Chương trình “Hà Nội xưa và nay”, “Tình em” lần lượt ra đời, tạo dấu ấn trong đời sống âm nhạc. Chương trình “Hà Nội, ngày… tháng… năm” vừa được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018 đã giúp nhà hát trụ vững trước các làn sóng cạnh tranh.

“Ngoài những suất diễn cố định vào chiều thứ Hai và thứ Năm hàng tuần tại Nhà hát Hồng Hà, biểu diễn những trích đoạn Tuồng, chúng tôi phối hợp với các cơ quan để thực hiện Dự án sân khấu học đường, đưa Tuồng đến các trường học. Chúng tôi tìm hợp đồng biểu diễn ở các khu công nghiệp, phục dựng chân dung các vị anh hùng dân tộc trong các sự kiện văn hóa, biểu diễn trong lễ hội…” - ông Tạ Văn Sốp chia sẻ.

Nghệ sĩ ưu tú Thu Huyền - Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội chia sẻ: “Khán giả bây giờ tìm kiếm thông tin và lựa chọn hình thức giải trí qua các thiết bị thông minh và có thói quen tương tác trên mạng Internet. Nếu các nhà hát không nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu, thị hiếu và xác định hướng đi phù hợp để đáp ứng yêu cầu thực tế thì đèn sân khấu khó thường xuyên sáng được. Tận dụng lợi thế của website và Facebook, chúng tôi cập nhật đầy đủ lịch diễn, chỉ dẫn mua vé và đưa thông tin hoạt động của đơn vị mình và nhờ đó có thêm nhiều hợp đồng”.

Hơn một năm trước Nhà hát Chèo Hà Nội đã cho ra đời chương trình “Hà Nội đêm thứ 7” và liên tục trình diễn tại rạp Đại Nam vào tối thứ Bảy hàng tuần nhằm đưa đến cho khán giả Thủ đô cơ hội thưởng thức các vở chèo đã làm nên thương hiệu của Chèo Hà Nội.

“Rạp Đại Nam cũng là sân khấu dựng vở nên vào thời điểm này chúng tôi tạm dừng chương trình “Hà Nội đêm thứ 7” để dựng vở mới phục vụ nhân dân dịp cuối năm và đầu xuân 2019. Tuy vậy, Nhà hát Chèo Hà Nội vẫn duy trì chương trình “Long thành diễn xướng” các tối thứ bảy tại rạp Nguyễn Đình Chiểu dưới hình thức Câu lạc bộ để tăng tính tương tác, tạo sự gần gũi giữa khán giả và diễn viên. Tại đó, ngoài phần diễn viên trình diễn kết hợp các loại hình biểu diễn dân gian từ trích đoạn chèo, hài đến hát văn, ca trù, hát xẩm...” - nghệ sĩ Thu Huyền cho biết thêm.

“Trong dòng chảy đổi mới, Nhà hát múa rối Việt Nam luôn tìm cách phát huy thế mạnh của mình, không ngừng học hỏi tiếp thu các hình thức múa rối đặc sắc khác như rối dây, rối bóng và sáng tạo trong cách kết hợp ngôn ngữ rối với các loại hình nghệ thuật âm nhạc, ảo thuật, tương tác, trình chiếu… để làm tăng tính hấp dẫn cho nghệ thuật rối. Chúng tôi nỗ lực tìm giải pháp tiếp thị để ký kết hợp đồng với các cơ quan, trường học và tham gia hoạt động tại các sự kiện văn hóa, xã hội” - ông Nguyễn Đức Anh - Trưởng phòng Phát triển dịch vụ bày tỏ.

Bên cạnh sự đầu tư, tìm kịch bản hay, thay đổi hình thức dàn dựng, nhiều nhà hát đang mở rộng liên kết để thu hút khán giả. “Bến bờ xa lắc” vở kịch nói với 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Hàn đã được Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp với Đoàn kịch Jigeum - Hàn Quốc dàn dựng. Trước đó, vở kịch “Con chim xanh” phối hợp với đạo diễn Xavier Lukowski (người Bỉ) của Nhà hát Tuổi trẻ cũng tạo được dấu ấn đặc biệt với khán giả trẻ.

Mang tiếng “kén khán giả” nhưng nhờ có yếu tố nước ngoài, sau khi xây dựng và công diễn vở “Huyền thoại ngọn đồi đỏ”, “Dưới bóng đa huyền thoại”, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã được dư luận chú ý.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/lam-sao-de-nha-hat-luon-sang-den-3959641-b.html